“Ngày đầu tiên sau khi chết bạn làm gì?”
(Thơ Phan Nhiên Hạo)
“A! Tôi sẽ tự tử nếu tôi không biết rằng chính cái chết cũng không phải là yên nghỉ; và cả trong nấm mồ, vẫn còn một khắc khoải kinh khiếp đang chờ ta.”
(Albert Camus – trích Carnets)
Đây là hai cách nhìn mới về cái chết. Tôi thích. Hai cái nhìn này kéo tôi ra khỏi sự nhàm chán khi chứng kiến các nhân vật bị chết và tự chết như ngả rạ trong điện ảnh. Nhân vật chết là hết phim. Nhân vật chết là vấn đề của họ được giải quyết. Nếu xây dựng câu chuyện có một cái chết, có lẽ cũng không nên đi vào lối mòn ấy nữa. Cần phải nhìn cái chết theo một góc nhìn mới.
***
Phim Phù Vân (Floating Clouds) của Mikio Naruse, có nhân vật phụ, vợ chủ quán rượu, xuất hiện trong phim thế này: Chồng gọi, em ơi, lấy cho anh thêm một chai sake. Cô đứng ở quầy, khẽ nghiêng mình, nhìn đắm đuối về phía khách. Lúc ấy, mình biết, bằng sự nhạy cảm, mình biết, cô này sẽ gây nên chuyện. Đạo diễn không tự dưng quay cận cảnh khuôn mặt và đôi mắt của nhân vật phụ hơi lâu bất thường như vậy. Sau đó, y như rằng cô này đã đi theo phá đám và ám ảnh cuộc đời của nhân vật chính cho đến hết phim. Đó là khi dụng ý của đạo diễn và sự nhạy cảm của người xem bắt được sóng nhau. Mình thích cách những chi tiết nhỏ, những nhân vật phụ, được cài vào trong phim một cách tinh tế như vậy.
Phụ nữ thường tinh tế ở những chi tiết nhỏ nhặt. Cô nhân vật chính chỉ cần nhìn liếc một giây qua giỏ đồ của người tình trong phòng tắm là biết đồ lót của anh đã được ả nhân vật phụ xếp gọn gàng. Cuối phim, khi cô đang nằm sắp chết vì ốm, máy quay lướt qua khuôn mặt cô trong giây khắc ánh mắt cô cụp xuống vì ngán ngẩm, vì hết hy vọng được yêu thương. Phía ngoài cửa kia, người tình của cô, như bao lần anh nhiệt thành với những người phụ nữ khác, đang dặn dò trao đổi vui vẻ với cô gái giúp việc. Chỉ một ánh mắt nhỏ thoảng qua trên khuôn hình, người xem có thể ngầm hiểu rằng, mối tình của cô nếu kéo dài nữa cũng chẳng đến đâu. Cô đã không thể quay lại với quá khứ êm đềm với người tình ở Đông Dương, cũng chẳng thể tiến về tương lai trong tình yêu của mình cũng như trong cuộc đời mịt mù phía trước. Cô may mắn được người ta cho cô chết vì bệnh. Nếu không bị bệnh chắc chính cô cũng tự tử mất, vì cô chẳng còn lẽ sống nào, cô không có khả năng nào khác để tách mình khỏi câu chuyện ấy. Nhưng nếu cô sống thì sẽ sao nhỉ? Có tác phẩm nào từng viết về những con người vượt qua được “cảm giác không cừu” và vẫn sống một đời sống ngoạn mục và một đời người đẹp tươi hơn trong chính kiếp người của họ hay không?
“Cảm giác không cừu” là hình tượng Murakami xây dựng trong cuốn Cuộc săn cừu hoang. Khi bên trong con người có một người cừu, thì người ta không còn có thể sống cuộc đời bình thường được nữa, người ta muốn giết con cừu đó trong mình thì phải giết chính bản thân mình. Nếu có người đã viết như thế rồi, thì ta phải cho nhân vật của mình sống. Vì đến cái chết cũng theo một lối mòn thì đời quả thật không có gì để nói. Nhưng, hãy nhớ rằng, nhân vật sống hay chết cũng chẳng quan trọng mà ở cách kể chuyện thôi. Cũng như đời người, sống hay chết thực ra cũng chẳng quan trọng. Quan trọng ở cách chúng ta đã làm đầy những khoảnh khắc sống như thế nào. Biết đâu ở phía sau sự sống, câu chuyện của những ngày chết lại đang huy hoàng chờ đợi những người tha thiết yêu sự hiện diện của mình trong trong mọi không gian, trong từng khoảnh khắc, xuyên qua vạn vạn kiếp người.
***
Trong phim Khách sạn ven sông (Hotel by the River) của Sang-Soo Hong, nhân vật nhà thơ, cũng tự tử. Phim này đơn giản, nhưng ngẫm sâu ở từng chi tiết nhỏ ta lại thấy sự sâu sắc đến kinh ngạc. Làm sao những chi tiết nhỏ đó có thể gánh đỡ ở đằng sau nó những câu chuyện có sức nặng đến vậy.
Nhân vật chính là một nhà thơ nổi tiếng. Nếu thấy ông người ta phải xin chữ ký cho bằng được. Nhưng vợ ông nói với con ông rằng ông là kẻ xấu xa, tàn nhẫn…và dùng tất cả những từ ngữ để vẽ lên hình ảnh ông trở thành một kẻ bỉ ổi, tội đồ. Có chứ, trong cuộc đời có những người thế đấy. Trong mắt những người khác nhau, họ là những người khác nhau.
Hai anh em cãi nhau. Cậu em nói, em nghĩ bố sẽ tự tử đấy. Người anh nói, em chỉ là thằng khoe mẽ, nói vớ vẩn. Cậu em là đạo diễn, có lẽ cậu bắt sóng được bố. Cậu có trái tim mẫn cảm. Trước sự đổ vỡ hôn nhân của bố và anh trai, cậu cảm thấy khó khăn khi đứng trước tình yêu.
Khi những người đàn ông nói về phụ nữ, thì những người phụ nữ nói về đàn ông. Chúng ta được nhìn một người đàn ông, nhân vật nhà thơ, trong mắt của người vợ, người chủ khách sạn, người hâm mộ, hai người con. Và chúng ta được nhìn tình yêu dưới góc nhìn của cả hai giới. Những câu chuyện được kể rời rạc nhưng đạo diễn lật câu chuyện qua lật câu chuyện lại. Cuộc sống là thế, làm sao chúng ta có thể dễ dàng phán xét về một con người.
Người con là đạo diễn, anh có một tương lai ở phía trước đang chờ mình, số phận của người nghệ sĩ, một người nổi tiếng trước công chúng, song anh sẽ có một đời tư thế nào. Cha anh gửi gắm tâm sự của mình vào việc đặt tên anh. Rằng, tên của con có hai ý nghĩa. Rằng, con người cần phải có hai bộ não, nhất là con ấy, con cần phải biết rạch ròi giữa nghệ thuật và đời thực, giữa mộng tưởng và thực tại. Có thể bởi vì ông đã không tách rời được, nên cuối cùng ông tự đẩy mình vào bi kịch, cũng như đời sống của bao nghệ sĩ khác, phải, chọn lấy con đường đưa mình vào cõi chết.
Nhưng cái hay ở đây, là cách kể câu chuyện. Vì sao có chi tiết cô gái nói với cô bạn, cái xe kia là cái xe mình đã gây ra tai nạn hồi xưa đấy. Cách kể chuyện nhiều khi cứ ngỡ hai cô là hai bóng ma. Đến cuối phim có cảnh hai cô đang khóc trong khi ngủ sau cảnh nhà thơ tự tử. Điều này tạo cảm giác câu chuyện của người này vừa bị đẩy vào trong giấc mơ của người khác.
***
Cuộc đời khác nghệ thuật. Cuộc đời luôn nhìn vào sự thật, như đúng nó là, bằng hành động cụ thể, bằng lối sống hiện sinh, bằng cái nhìn minh triết. Còn nghệ thuật thường làm mờ các đường nét, thường phóng đại, khuếch tán cảm xúc và luôn khoét thêm sâu thật sâu vào những vùng mơ hồ bí ẩn. Nếu nắm được chìa khóa này mình có thể tách bạch được cuộc đời và nghệ thuật, vừa làm nghệ thuật và vừa có một đời sống thường nhật với nội tâm bình an.
© Sơn Ca|27.6.2020
Ảnh: cảnh trong phim Khách sạn ven sông
Leave a Reply