Tháng hai đi qua chóng vánh như một cơn mơ, với mưa giăng, tuyết rơi và giờ đây ta ngỡ ngàng đặt chân vào bậc thềm của nắng ấm. Khi ta trở về, những bông hoa trồi lên từ mặt đất như thể đã chờ đợi ta từ lâu. Tán hoa đào hồng phớt trong công viên cạnh nhà gợi kỷ niệm của những ngày đầu xuân năm ngoái, là ngày bước vào đợt phong tỏa đầu tiên, và ta, vào công viên, nằm dưới tán cây tận hưởng sự yên tĩnh một mình trong sắc xuân êm dịu ấy. Có những thứ mạnh hơn cái chết, đó là lòng khao khát sống. Có những thứ mạnh hơn sự cô đơn, đó là lòng khao khát yêu thương.
Một hôm, đứng dưới công trường đang xây dựng của nhà thờ Đức Bà Paris,
Một hôm, đứng dưới công trường đang xây dựng của nhà thờ Đức Bà Paris, ta ngước nhìn lên hai tòa tháp giữa những dàn giáo, và chợt nhận ra mây đang trôi rất mỏng như dòng sông chảy trên hai tòa tháp, một bóng chim đen bay vụt qua như bóng của thời gian. Có những điều không còn như xưa nhưng mãi mãi như xưa, bởi linh hồn luôn còn ở lại. Ta nhìn thấy những người du khách cô độc, cũng như ta, lặng lẽ đứng bên bờ sông, nhìn rất lâu trong tĩnh lặng, hướng về phía nhà thờ Đức Bà dưới chiếc cần cẩu khổng lồ.
Khi lang thang trên những đường phố Paris, ta nghĩ về thuyết trôi dạt của Guy Debord, và kinh ngạc nhận ra rằng trong hành trình 10 năm qua của ta mỗi lần khi đến Paris, lúc nào cũng chỉ lặp đi lặp lại một tuyến ấy. Centre Pompidou, Notre-Dame de Paris, Shakespeare et Compagnie, Café de Flore, Louvre, nghĩa trang Pere-Lachaise, Montmartre. Ta hay ngủ lại tại Bastille hoặc gần Louvre. Nhưng thi thoảng, nếu ngủ ở căn hộ ở Neuilly, ta vẫn thường nhớ tới những tiểu thuyết của Patrick Modiano, nơi các nhân vật cũng hay đi về hướng ấy. Những chuyến métro về phía ấy dài thật dài, những con đường đi bộ về căn hộ vắng thật vắng, như trong miêu tả của Modiano. Chỉ khác vào mùa hè, trong căn hộ nơi ta ngụ lại, chim thường về làm tổ và đẻ trứng ở ban công.
Ta đã trở thành một phần của Paris khi chính ta cũng là người ngồi dưới bờ kè ăn trưa, sưởi nắng lâu thật lâu. Thi thoảng ta hay thấy những tấm ảnh trên mạng về một Paris mùa covid, hàng trăm người đổ ra bờ sông những ngày nắng ấm. Ta đã góp phần mình trong đó. Mọi người đi qua đi lại tìm chỗ ngồi. Chỉ một lúc sau quanh ta đã đầy người, nhìn sang bên này nhìn sang bên kia mọi người chỉ cách xa ta nửa mét. Ta vẫn ngồi im đó đọc sách trong nắng ấm và chút gió lạnh. Phía trước là dòng sông nơi những con chim nhạn bay lượn. Thi thoảng, chúng tiến đến gần ta, mạnh dạn mổ những mẩu vụn bánh mỳ dưới chân. Thực ra ta mệt, khi mang sách và sổ ghi chép đi lòng vòng khắp nơi ở Paris mà không thể dừng chân lại một quán cafe nào để ngồi uống một ly và viết lách như thưở nào. Bờ sông đã trở thành một nơi ngồi đọc sách lý tưởng.
Những người bán sách cũ dọc bờ sông thấy ta lững thững đi qua bèn nói chuyện với nhau, ồ, Shakespeare et Compagnie vẫn mở cửa kìa, cô ơi, Shakespeare et Compagnie vẫn mở cửa hả cô. Tôi nói, vâng. Họ nói thế bởi họ nhìn thấy chiếc túi của cửa hàng trên tay tôi. Rồi một người đàn ông nói, đây có sách tiếng Anh này, cô mua đi, mua ở đây rẻ hơn nhiều ở Shakespeare et Compagnie cô ạ, ở đó vì họ phải duy trì cửa hàng nên đắt lắm cô. Tôi bảo, vâng, nhưng đó là biểu tượng mà bác. Người đàn ông đáp lời, ừ, tôi đồng ý với cô. Nói xong như vậy nhưng tôi cũng ngậm ngùi, thật ra, những tiệm sách cũ ven sông cũng là biểu tượng của thành phố.
Băng qua Pont des Arts tôi tiến về Louvre
Băng qua Pont des Arts tôi tiến về Louvre. Bây giờ tôi cố gắng trên một vài chặng, tôi tự xác định hướng đi mà không cần dùng google map. Trước phía kim tự tháp của Louvre đã bị một hàng rào chắn do bảo tàng đóng cửa, một số du khách vẫn tranh thủ đứng trên những bậu đá mỉm cười duyên dáng, tạo dáng chụp ảnh selfie. Một vài cô gái Châu Á chắc vừa mua được mấy bộ mỹ phẩm nên để chúng lên bậu đá và chụp ảnh để lấy hình ảnh của Kim tự tháp làm phông nền. Phía xa xa, một người vô gia cư đang nằm ngủ trên một bậc thềm dưới chân tòa nhà thuộc một phần của bảo tàng, đeo khẩu trang và trong tư thế khoanh tay nghiêm cẩn.
La Belle Équipe hóa ra không xa Bastille lắm, nhưng ta phải đến đó hai lần mới đúng giờ quán mở cửa. Ta ngồi trên bục gỗ của một bồn cây đối diện trước cửa quán uống cafe chờ người ta làm cho một món ăn mang đi. Một quán ăn nhỏ xinh sơn mầu xanh với những bông anh túc đỏ, hoa Coquelicot. Người bán hàng có vẻ ngượng ngùng khi nói, cô có thể chờ chúng tôi 30 phút để chuẩn bị đồ ăn được không? Tôi bảo không sao tôi chờ được, cho tôi một ly cafe. Tôi mừng quá vì có thể ngồi được ở đó chờ 30 phút. Để ngắm cửa hàng. Trong tất cả những địa điểm từng bị khủng bố ở Paris, đây là nơi tôi muốn ghé thăm, đơn giản vì người chủ cửa hàng đã viết một cuốn sách kể lại. Vậy có thể nói rằng, nơi đây, đã để lại nhiều tâm hồn của những đã mất, và tâm hồn của người đã viết quyển sách ấy.
Tôi lên tầu đi về phía Montmartre. Luôn luôn là Montmartre vì các họa sĩ đã ở đây. Khi tôi đến ở đó đang có một đoàn làm phim. Tôi ngồi dưới tán cây hoa đào đang trổ bông vừa ăn xuất cơm của La Belle Équipe vừa xem người ta đóng phim. Trên bậc thềm của Sacré-Cœur người vẫn đông như chưa hề có dịch covid. Người ta vẫn nằm dài trên cỏ, tắm nắng, ăn kem, ôm hôn nhau. Có những nơi tôi đã qua bao lần nhưng tôi vẫn muốn ghé lại. Có lẽ bởi tính chất của việc dù là địa điểm đó, nhưng ánh sáng và con người đi qua những nơi đó khác nhau, nên dù là nơi chốn cũ, tâm hồn của nó vẫn luôn luôn khác. Ở bức tường I love you, mà những năm trước tôi đã chụp được những bức ảnh thật đẹp khi ánh sáng lấp lánh qua tán cây chiếu lên bức tường, thì giờ đây tôi nắm bắt được khoảnh khắc hai cặp đôi đứng bên nhau, ngồi bên nhau, trò chuyện chỉ tay trong khoảnh khắc một con chim bồ câu trắng lướt qua. Tôi nhận ra những con đường quen thuộc tôi đã đi qua lại rất nhiều lần ở Montmatre và dừng lại ngồi thật lâu trên một bậc thềm, phía xa xa, một người đàn ông lặng lẽ ngồi đọc sách. Dường như anh ta đã ngồi ở đó cả buổi chiều. Ở Place du tertre, những người họa sĩ vắng khách. Tôi muốn tìm những tấm bưu thiếp nhưng quá ít cửa hàng mở cửa. Tôi không ưng tấm bưu thiếp nào. Tôi định viết những tấm bưu thiếp gửi đi nhưng rồi tôi quyết định không mua tấm bưu thiếp nào.
Thật vui khi tôi phát hiện ra căn hộ của Théo Van Gogh nơi Vincent Van Gogh đã sống tại đây, và tôi còn nhớ được bức tranh Van Gogh vẽ Paris từ cửa sổ căn hộ này, khớp với hình ảnh tòa nhà đối diện bên cạnh. Tôi đã đi theo dấu chân của Van Gogh, từ những lá thư, những bức tranh, đến ngôi làng Auvers-Sur-Oise, đến bảo tàng Van Gogh ở Hà Lan. Hệt như cách tôi đi theo dấu chân của Kafka ở Praha. Một người nghệ sĩ khi chết đi, phải chăng họ đã để lại dấu chân của mình trên cuộc đời như thế?
Đi vào tâm hồn của một sự vật, một con người, một thành phố, một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim, thực ra, là đi vào tâm hồn của chính mình.
Bài và ảnh: Sơn Ca| 28.2.2021
Leave a Reply