“HẾT RỒI” […] “Tôi đã từng sống”. Đó là câu mở đầu và kết thúc tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh xuất bản năm 1960 của nhà văn Romain Gary. 15 năm sau, Gary ẩn mình dưới bút danh Émile Ajar viết tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt, trở thành người duy nhất đoạt 2 giải Goncourt.
Trong tiếng Nga, Gary nghĩa là “đốt cháy” và Ajar là “than hồng”. Câu chuyện về nhà văn, nhà ngoại giao, đạo diễn, phi công người Pháp gốc Nga, người sống muôn cuộc đời trong một cuộc đời, trở nên thú vị hơn từ đây.
Gary từng viết trong Lời hứa lúc bình minh: “Đến giờ tôi vẫn coi cuộc sống là một thể loại văn học”, để rồi ông sáng tạo vượt khỏi đường biên của văn chương và biến cuộc đời thành một sân khấu lớn. Từ bút danh Romain Gary đến Émile Ajar là một câu chuyện hấp dẫn mà Gary đã dựng lên, khiến giới văn chương Pháp bị cuốn vào, còn mình, tự do ngồi sau sân khấu viết cuốn nọ nối cuốn kia, tung hỏa mù, khiến họ hoài nghi rồi tin tưởng, giữa thật giả giả thật về Gary và Ajar.
Từ Romain Gary đến Émile Ajar
Romain Gary tên thật là Roman Kacew, đoạt giải Goncourt lần đầu tiên năm 1956 với tiểu thuyết Rễ của trời.Năm 1974, Romain Gary xuất bản 3 tiểu thuyết dưới 3 bút danh khác nhau: Romain Gary, Émile Ajar và Shatan Bogat. Chính xác hơn, một mình Gary phân thân thành 4 người trong 3 cuốn sách. Cuốn La nuit sera calme là một cuộc phỏng vấn hư cấu giữa Romain Gary và François Bondy, một người bạn thời thơ ấu. Thực chất, François Bondy chỉ cho Gary mượn tên còn lại toàn bộ nội dung Gary tự phỏng vấn và tự trả lời. Trong đó, Gary viết: “Khi tôi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết, đó là để đến nơi tôi không hiện hữu, để khám phá những điều diễn ra nơi nội tâm người khác, để rời bỏ tôi, để tái sinh tôi.”
Đây có thể là lời dẫn ngầm ẩn trước văn đàn cho sự xuất hiện lần đầu tiên của bút danh Émile Ajar. Ẩn mình sau bút danh, Romain Gary đã nhờ người cháu họ có tên là Paul Pavlowitch đứng ra đóng thế. Pavlowitch kể:“Vào cuối năm 1972, Romain Gary nói với tôi rằng ông định viết “một cái gì đó khác dưới một cái tên hoàn toàn khác”, bởi vì, ông ấy khăng khăng rằng, “chú không còn có được sự tự do cần thiết nữa”.” (1)
Năm 1975, tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt của Émile Ajar đoạt giải Goncourt. Gary nói Pavlowitch viết thư từ chối giải thưởng, nhưng nguyện vọng bị Hội đồng trao giải bác bỏ. Báo giới bắt đầu nghi ngờ Ajar và Gary liên quan đến nhau khi phát hiện Gary và Pavlowitch là chú cháu. Romain Gary lập tức thanh minh trên Le Monde rằng mình không phải là Ajar, đồng thời vội vàng chạy sang Genève, chui vào một căn hộ yên tĩnh lên kế hoạch “cứu lấy” Émile Ajar trước khi “bị bại lộ”.
Trong 15 ngày, Gary đã viết tiểu thuyết Pseudo và cho xuất bản năm 1976 dưới tên Ajar. Pseudo được viết dưới dạng tiểu thuyết tự truyện. Nhân vật trong tiểu thuyết có tên là Paul Pavlowitch, muốn nói lên sự thật, về bút danh Ajar của mình, về sự đeo đuổi của báo chí, về người chú Gary: “Tôi là Émile Ajar […] Tôi là tác giả của chính tôi và tôi tự hào về điều đó. Tôi là có thật. Tôi không phải là trò lừa bịp”. Sau đó ông gọi cho Pavlowitch nói rằng bác đã bịa ra cháu một kẻ điên khùng và bịa cả ra bác nữa. “Cháu có đồng ý không?” (2) Người cháu không những vui vẻ chấp nhận mình bị điên mà còn giúp ông bác đánh máy bản thảo. Bằng “thủ thuật chính là không để người ta cảm thấy có thủ thuật”(3) Gary đã dập tan mọi nghi ngờ của báo giới và tiếp tục xuất bản cuốn sách thứ 4 dưới tên Ajar vào năm 1979.
Từ Lời hứa lúc bình minh đến Cuộc sống ở trước mặt
Ajar không thực sự là một cái tôi khác hoàn toàn Gary. Ajar chỉ là một mảnh ghép đủ đầy để Gary trở nên trọn vẹn. Lời hứa lúc bình minh và Cuộc sống ở trước mặt là hai tiểu thuyết có liên quan đến nhau mà sợi dây liên kết là tình mẫu tử, là khao khát thêm một lần được có mẹ trong đời.
“Hết rồi. Biển Big Sur không một bóng người, còn tôi, vẫn nằm trên cát, đúng chỗ tôi đã ngã xuống[…]Hết rồi. Biển Big Sur trống vắng hàng trăm cây số, nhưng thỉnh thoảng khi ngẩng đầu lên, tôi lại thấy mấy chú hải cầu trên một mỏm đá trước mặt[…]Thế đấy. Sắp phải rời xa biển, nơi tôi nằm nghe biển khơi đã rất lâu rồi. Tối nay, ở Big Sur, sẽ có sương mù nhẹ, trời sẽ se lạnh, còn tôi, tôi chưa bao giờ học cách nhen lửa để tự sưởi ấm mình. Những chú hải cẩu đã lặng im trên những mỏm đá, và tôi ở đó, nhắm mắt lại, miệng mỉm cười, tôi tưởng tượng một chú hải cẩu nhẹ nhàng đi về phía mình còn mình thì bỗng cảm thấy một chiếc mõm thân thương cà vào má vào vai…Tôi đã từng sống.”
Đó là những câu văn xúc động trong tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh, khi Gary trở về sau chiến tranh mới hay mẹ đã mất. Mẹ Gary, trước khi mất, đã viết sẵn 200 lá thư và nhờ người quen gửi cho con vào chiến trường. Trong những tháng ngày vào sinh ra tử, tuyệt vọng khốn cùng, nhờ những lá thư của mẹ, Gary đã thấy mẹ luôn hiện hữu trong thân xác mình, người ta đã quên cắt dây rốn giữa ông và mẹ.
Làm sao một cuốn sách khiến ta không thể thôi cười ở từng trang mà cuối cùng lại làm ta khóc? Làm sao đằng sau lớp vỏ văn chương hài hước, hài hước trong tất cả mọi nghịch cảnh và bất hạnh của đời sống, vẫn có thể khiến ta cảm được nỗi cô đơn, niềm khao khát yêu thương và tình cảm con người thiết tha, ngậm ngùi đến thế?
“Đối với tôi, trong suốt chặng đường của mình, tính hài hước là một người bạn thân thiết, nhờ nó mà tôi có được những khoảnh khắc chiến thắng nghịch cảnh thực sự.” Gary đã viết như thế trong Lời hứa lúc bình minh, và nét đặc trưng văn chương ấy không hề mất đi khi chuyển sang Cuộc sống ở trước mặt.
Lời hứa lúc bình minh là tự truyện của Gary từ năm 8 tuổi khi sống bên mẹ, người có tình yêu thương khiến Gary “suốt đời phải chết khát bên bờ mỗi con suối.” Mỗi kỷ niệm để Gary nhớ lại luôn là những ký ức được vẽ bằng những bức tranh đậm màu bởi tính chất của nó luôn được đẩy đến đỉnh điểm từ tính cách quyết liệt và mạnh mẽ của người mẹ, và ở đó Gary, Gary đầy cô đơn chui vào trong đống gỗ thèm khát cái liếm mặt của một con mèo xa lạ, Gary yếu đuối nhưng nguyện làm tất cả mọi điều vì mẹ.
Mẹ Gary tuyên bố ông sẽ trở thành đại sứ Pháp, sẽ được tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng. Nước Pháp với bà luôn thiêng liêng, bất khả chiến bại, đẹp nhất trần gian. Bà đã “ký hiệp ước với số phận” khẳng định con mình sẽ không chết trong chiến tranh. Đằng sau vẻ cực đoan ấy là sự tần tảo, hy sinh, vật lộn với đời sống mưu sinh để có tương lai tốt đẹp. Về sau, Gary đã thực hiện được tất cả mọi lời tiên tri của mẹ, kể cả sự sống. Với Gary, “dường như thế giới này không đủ rộng lớn để chứa đựng hết tình yêu thương tôi dành cho bà”.
Có lẽ, điều Gary day dứt nhất trong lòng là những ngày cuối đời của mẹ, ông đã không được ở bên khi bà trút những hơi thở cuối cùng. Nên tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt là nơi ông có thể làm được điều đó, hóa thân thành cậu bé Momo dành tình yêu thương cho Madame Rosa và ngược lại.
Cuộc sống ở trước mặt là câu chuyện kể về cậu bé Momo được nuôi dưỡng bởi Madame Rosa, người lập ra “trung tâm chăm sóc trẻ em ngoài giá thú”. Trong tiểu thuyết có một đoạn văn mang tính siêu thực khi Momo trò chuyện với ông Hamil:
– Một ngày nào đó cháu sẽ đi Nice, cháu cũng thế, khi nào cháu trẻ.
– Sao cơ, khi nào cháu trẻ? Cháu đã già rồi sao? Cháu mấy tuổi rồi, cháu bé của ta?
Và một cảnh khi quay ngược những thước phim trong phòng lồng tiếng, Momo thấy cuộc đời mình trôi ngược về quá khứ và hình ảnh mẹ sượt qua trong ký ức.
Đây là dấu hiệu chỉ dẫn lối thông nhau giữa tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh và Cuộc sống ở trước mặt. Khi đi sâu hơn vào những điểm tương đồng và trái ngược giữa hai tiểu thuyết, ta có thể thấy Gary tạo ra Ajar đểrời bỏ mình và tái sinh mình.
Họ đều sống trên những căn hộ cao tầng khiến bà Mina và Madame Rosa đều phải lên xuống cực nhọc. Hai cậu bé đều không có tình yêu thương của bố, đều nhận được những tấm ngân phiếu hàng tháng. Cái chết của hai người bố không gây xúc động gì nơi Romain và Momo. Romain rất thích cảm giác được mèo hay sư tử biển liếm mặt, còn Momo tưởng tượng vào buổi tối có sư tử vào liếm mặt và ngủ cạnh mình. Điểm chung đặc biệt lớn nhất là tình mẫu tử của hai cậu bé và hai người phụ nữ, dù Madame Rosa không phải mẹ của Momo thì tác giả cũng đã làm ta tin rằng đó là tình mẫu tử.
Nói về sự khác biệt, ở tiểu thuyết trước, Romain là một cậu bé yếu đuối và được bảo bọc trước mẹ bao nhiêu thì ở tiểu thuyết sau Momo là cậu bé chủ động, phá cách và tự do bấy nhiêu. Cậu xăng xái ra đường kiếm tiền, là chỗ dựa của Madame Rosa. Ở tiểu thuyết trước, tinh thần người mẹ dường như hiện hữu trong thể xác của Romain, hai người như hòa làm một trong những khoảnh khắc mong manh của kiếp người, và cuộc đời Romain đã sống là để dành trọn vẹn cho mọi ước mơ của mẹ; còn ở tiểu thuyết sau, Momo yêu thương Madame Rosa nhưng cậu được là chính mình, nhìn yêu thương trong cuộc đời theo một cách khác, dung dị hơn.
Mẹ Romain trong Lời hứa lúc bình minh lúc nào cũng nhắc nhở con về một nước Pháp tươi đẹp, bất khuất và những ước mơ danh giá, còn Cuộc sống ở trước mặt dựng lên bối cảnh đời sống con người ở đáy tận cùng của nước Pháp với những người sống bằng nghề đĩ điếm, những đứa trẻ sinh ra bị bỏ rơi. Cậu bé Momo nói với ông Hamil rằng “việc trở thành anh hùng chẳng có nghĩa lý gì so với việc có bố”. Momo chính là hóa thân của Gary mong ước được thấu hiểu, nên ông xây dựng hình ảnh những người đàn ông tốt bụng luôn luôn nói với Momo rằng cậu là một đứa trẻ nhạy cảm, có tâm hồn đẹp và khác biệt.
Để thực hiện nguyện vọng được chăm sóc mẹ trong những năm tháng cuối đời, tác giả đã cho rất nhiều người đến viếng thăm, chăm sóc và nhảy múa mua vui cho Madame Rosa. Cuối cùng, ông hóa thân thành cậu bé Momo, ở bên Madame Rosa trong tổ Do thái của bà, đổ hàng tá chai nước hoa lên người bà, tô mặt bà đến khi không thể nào tô nổi, và nằm bên cạnh bà đến khi người ta phải phá cửa xông vào vì phát hiện ra những mùi đặc biệt.
Kết
“Tôi đã sinh ra”, là câu văn Gary viết trong Lời hứa trước bình minh nói về cảm giác của mình sau khi xuất bản tiểu thuyết đầu tay vào năm 1945. Cuốn sách cuối cùng của Gary, cuốn Cuộc đời và cái chết của Émile Ajar, xuất bản một năm sau khi Gary qua đời, tiết lộ sự thật về 4 tiểu thuyết ông viết dưới bút danh Ajar, và Paul Pavlowitch chỉ là người đóng thế,
Ngày 2.12.1980, Gary đã tự sát bằng một khẩu súng. Không ai biết chính xác vì sao Gary quyết định từ giã cõi đời, nhưng trong lá thư để lại ông viết: “Vì sao ư? Có lẽ nên tìm câu trả lời trong tiêu đề cuốn tự truyện La nuit sera calme và câu cuối cùng trong cuốn sách cuối cùng của tôi. “Bởi vì ta không thể nói tốt hơn“. Tôi cuối cùng đã thể hiện mình trọn vẹn.” (4)
“HẾT RỒI”[…]“Tôi đã từng sống”. (5)
*
(1) Người đàn ông mà chúng ta đã tin, Paul Pavlowitch, Fayard, 1981.
(2) và (3): Cuộc đời và cái chết của Émile Ajar, Romain Gary, Gallimard, 1981.
(4) http://www.1-jour.fr/2-decembre-1980-romain-gary-se-suicide/
(5) Lời hứa lúc bình minh, Romain Gary, Nguyễn Duy Bình dịch, NXB Văn học và Công ty sách Nhã Nam, năm 2009.
Leave a Reply