Paris, ngày 11.7.2024
Chỉ còn hơn một giờ nữa tôi sẽ lên máy bay sang Mỹ nơi chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đặt chân đến, hệt như nhiều năm về trước, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đặt chân đến Pháp. Khi tôi viết những dòng này, ngừng lại đôi chút nhìn ra phía bên ngoài để nghĩ xem mình nên viết tiếp điều gì thì một con chim nhỏ chạy vèo qua trước mặt. Tôi giơ điện thoại chụp mà rất hay là nó khuất đằng sau cái tay cầm của chiếc vali. Tôi e rằng những gì mình đang viết đây sẽ dang dở cho đến khi có tiếng thông báo gọi và tôi sẽ viết tiếp khi mình bay qua phía bên kia đại dương. Có thể mỗi ngày một xa nhà hơn nhưng trái đất tròn, có thể hình như nó gần nhà hơn.
Tôi đã viết trong riêng tư rất nhiều năm. Đến bây giờ tôi nghĩ rằng nên là thời điểm mình không ở trong riêng tư nữa. Nhưng dù sao, tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm với bạn đọc. Tôi muốn nói rằng, tôi viết bây giờ không phải vì điều gì cả, tôi viết đơn giản vì tôi không thể ngừng viết. Dù có thể có ý thức và cẩn trọng hết sức, tôi cũng không có khả năng chịu trách nhiệm trước những gì tôi viết ra. Tôi biết, những gì tôi viết ra, nó giống như con người tôi, có nhiều điều đẹp đẽ nhưng chắc chắn có những bất toàn. Từ nay tôi biết, con người là một tiến trình, tư tưởng là một tiến trình, văn chương là một tiến trình, tất cả mọi điều đều khó lòng có thể là một câu chuyện hoàn tất. Trong một thế giới mà tất cả mọi người đều có thể trở thành những người ảnh hưởng trên mạng xã hội, tôi bắt đầu có một tư duy ngược lại, càng đọc nhiều, viết nhiều và hiểu biết nhiều, tôi nhận ra rằng chúng ta đừng quá tự tin vào việc cứu rỗi ai, cứu rỗi cuộc đời bằng sự đọc, sự viết của mình.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều tiếng ồn, từ mạng xã hội, từ những quyển sách được coi là kinh điển của những tác giả vĩ đại. Dẫu cho có những tác phẩm và những tư tưởng được cho là bền vững và sống sót qua thời gian thì ở đó vẫn có rất nhiều lỗ hổng, hoặc giả người ta vẫn đang phải đối diện giữa giá trị của tác phẩm nghệ thuật với nhân cách của người tạo ra tác phẩm, hoặc giả chúng ta phải lựa chọn giữa câu hỏi nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh. Với tư cách là một người đọc nhiều, tôi cho rằng chúng ta đừng tin quá nhiều vào các nhà văn, nghệ sĩ và triết gia. Bất tử và di sản cũng thế. Chúng ta phải tin vào bản thân mình và tự tìm ra cho mình con đường riêng.
Những người đọc sách như tôi, những người tự cho mình là nghiêm túc, luôn luôn phải rơi vào những đợt khủng hoảng của niềm tin, khi ta vừa cảm thấy hình như ta tìm ra cái gì đó, nó là kho báu, nó là điều ta có thể bám víu vào để nhưng chưa hài lòng được một chút nào thì chúng tôi lại lộn cổ xuống khi cảm thấy, ôi, nó chưa phải, sau đó lại tự nhủ, hãy vui khi đi qua một thung lũng, rồi bò lên và lại lộn cổ tiếp, vì chúng tôi liên tục khám phá ra những điều của các ông chết rồi, nâng các ông ấy lên làm thần tượng rồi đạp đổ thần tượng và phản biện họ, rồi khi đó chính mình lại cảm thấy bơ vơ.
Việc tốt nhất mà tôi đã làm được, đó là tôi giải mã bản thân mình trong suốt chiều dài của sự viết. Hoặc giả chính tôi tạo ra bản thân tôi thông qua sự viết. Nó có thể có di sản, nó có thể có những điều đẹp đẽ, nhưng tất nhiên nó có cả rác rưởi và bóng tối. Tôi không thể chịu trách nhiệm cho việc bạn cảm và hiểu thế nào về những điều tôi viết. Nếu bạn đọc tôi rất có thể trong những điều tôi viết có những câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đang kiếm tìm mà dường như nó còn đang mơ hồ đâu đó trong tâm trí, trong tiềm thức, trong suy nghĩ của bạn, hoặc thậm chí nó tiếp tục gợi mở ra những câu hỏi mà bạn chưa từng nghĩ đến, mà tôi bày ra trước mặt bạn hiện hữu bằng ngôn từ.
Tôi viết không để thỏa mãn ai, thuyết phục ai. Tôi viết cho tôi chỉ vì (1) tôi không thể ngừng viết (2) tôi cần thấu hiểu tôi (3) tôi sáng tạo nên tôi. Tôi đi len lỏi giữa tất cả những tiếng ồn của nhân loại để góp thêm một tiếng nói của tôi.
Đọc, suy nghĩ, viết là một sự mệt nhoài và kiệt quệ, nhưng có lẽ là một lời nguyền bởi nếu bây giờ nếu cầm súng bắn vào sách vở và không viết nữa, quả thật, mình cũng không biết mình là ai. Nên mình cứ đẩy hòn đá lên rồi lại lộn cổ xuống cùng với nó. Cho nên có lẽ cách tốt nhất vẫn là, đọc các tác phẩm của các nhà văn lớn, đạp đổ các ông ấy, tạo ra tư tưởng của mình khẳng định những điều mình tin và mình nói. Sau đó lại đạp đổ mình và làm lại.
Seattle, ngày 20.7.2024
Cuốn sách vẫn đang nằm trước mặt tôi. Từ nhiều tháng qua tôi mới chỉ đi được vài trang, dù tôi tự hỏi, tại sao cuốn sách đó rơi vào tay mình? Khi xếp đồ đi Mỹ tôi đắn đo trong việc mang đi những cuốn sách nào, ngoài máy đọc sách, bởi đối với tôi việc đọc bây giờ không đơn giản là đọc. Việc đọc sách không còn đơn giản là đọc sách nữa, đối với tôi, đó là một câu chuyện rất dài. Là người đọc sách từ khi còn rất nhỏ, đọc sách theo kiểu nghiêm túc không đùa, tôi bắt đầu ý thức được việc đọc sách của mình đã chạm đến một giai đoạn mới mẻ và bước ngoặt như thế nào. Việc viết cũng tương tự như thế. Đã một tuần nay tôi không viết gì. Tuy nhiên tôi ghi chép liên tục những suy nghĩ bất chợt của mình trong điện thoại, những câu văn ngắn, những ý tưởng rời rạc trong suốt hành trình di chuyển. Ở trên máy bay tôi có thể làm được cả 4 đến 5 bài thơ. Tôi nghĩ nếu mình thật sự tập trung viết tôi có thể viết được rất nhiều. Nhưng với tôi, chuyện viết cũng không còn đơn giản là viết nữa. Việc tôi viết không còn đơn giản là chuyện viết nữa, cũng là một câu chuyện rất dài.
Lúc này, có một điều có khả năng dìu dắt tôi đi trong chuyện viết, đó là nhạc cổ điển. Trong gần 15 năm qua, nhạc cổ điển có lẽ vẫn luôn là người bạn đồng hành thầm lặng tuyệt diệu nhất của tôi, dìu dắt tôi đi trong cuộc đời và trong những khoảnh khắc ngồi viết, như một dòng sông lặng lẽ đẩy con thuyền trôi xuôi dòng, lặng lờ, thong thả, bình an.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng, mình có một khả năng đặc biệt, vô cùng đặc biệt. Trước kia, tất cả sự đọc và viết đều vô thức và hồn nhiên cho đến lúc tôi nhận ra rằng đọc và viết đã trở thành những đường kiếm sắc bén và vô cùng quan trọng, nên tôi buộc lòng phải cẩn trọng. Tôi nhìn ra xung quanh và suy nghĩ rất nhiều, tại sao, có những người có thể đủ sự tự tin để trở thành giảng viên, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người tự cho là tầng lớp tri thức tinh hoa, những người dẫn dắt cả một thế hệ và cả một cộng đồng, họ có thực sự ý thức được việc họ đã và đang làm gì hay không?
Buổi sáng sớm trên đất Mỹ, tôi pha một li cafe, nhìn ra bên ngoài trời nắng đẹp chiếu sáng rực rỡ làm ánh lên vẻ rạng ngời của hàng cây xanh. Tiếng nhạc trong đầu tôi lại vang lên một khúc ca rộn rã. Nhiều năm qua cuối cùng thứ âm nhạc tôi nghe vẫn không hề đổi thay, nhạc cổ điển, không thể phủ định được nó đã làm nên tâm hồn tôi, thứ nghệ thuật duy nhất tính đến thời điểm hiện tại tôi vẫn còn muốn tiếp tục cảm thụ và chưa muốn gột rửa. Viết đến đây tôi hiểu, mình nên dừng lại đánh dấu vì đây là một đoạn quan trọng.
Ý tưởng về Hải trình tôi đã có từ buổi chiều hôm qua. Tôi sẽ viết về buổi chiều hôm qua, thời điểm bắt đầu cho ý tưởng về Hải trình. Sáng nay, tôi cứ nằm mãi trước khi muốn ngồi dậy viết. Tôi nghĩ, có thể cuốn sách tôi mang theo sẽ giúp tôi có lời giải đáp về những chuyến đi xa của mình. Tôi biết, khi tôi đặt những dòng chữ đầu tiên cho Hải trình, rất có thể, chuyện viết không còn đơn giản là chuyện viết nữa.
Nếu không viết, tôi cảm thấy mình bị ngạt thở.
Lần này, viết là sự nhổ neo, viết là một lưỡi kiếm chặt đôi, viết không phải là một cục tẩy, chỉ hy vọng đi một con đường, đi mãi không có điểm dừng, một hành trình, không có sự hoàn tất và không có đích đến.
Bài viết và ảnh chụp: Sơn Ca
Leave a Reply