(Bài dưới đây được dịch từ bản audio buổi trò chuyện với các nhà văn Amitava Kumar, Davide Enia và Linda Lê, được dẫn dắt bởi người dẫn chương trình Aurélie Charon (France Culture) trong khuôn khổ chương trình Assises Internationales du Roman tại Lyon, ngày 22.5.2019.]
Hiện diện trong nhiều sáng tác của các nhà văn, lưu vong là một đề tài ám ảnh văn học. Từ những người lưu vong hôm qua đến những người lưu vong hôm nay, từ Ulysse đến những cuộc di cư đương đại, nhân vật di cư giống như nhà văn tha hương kể ngàn câu chuyện về đời sống. Những quỹ dạo đơn lẻ này cũng đặt ra câu hỏi: sự rời bỏ nguồn cội ảnh hưởng (thúc đẩy) đến sáng tạo như thế nào.
Davide Enia
Là diễn viên, đạo diễn và nhà viết kịch người Ý, Davide Enia bắt đầu viết từ năm 1998. Dành nhiều giải thưởng cho các tác phẩm sân khấu của mình, ông đã có nhiều sáng tác được xuất bản tại các nhà xuất bản nổi tiếng ở Ý. Ông là một trong các tác giả thuộc thế hệ thứ hai của nghệ thuật nhà hát kể chuyện, (một dòng phim truyền hình mới của Ý, xuất hiện vào đầu những năm 2000, với một thế hệ diễn viên-tác giả mới ra đời.) Tiểu thuyết đầu tiên của ông mang tên Sur cette terre comme au ciel (Albin Michel, 2016), đã nhận được sự đánh giá cao từ báo chí, đoạt giải Prix du Premier Roman Étranger (giải thưởng Tiểu thuyết Nước ngoài Đầu tiên). Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông có tên La loi de la mer (Albin Michel 2018) đã nhận giải Mondello tại Ý.
Amitava Kumar
Amitava Kumar sinh tại Arrah ở Ấn Độ vào năm 1963. Là một nhà báo và nhà văn, ông đã học ngành khoa học chính trị và ngôn ngữ học, hiện đang giảng dậy bộ môn văn học ở Poughkeepsie tại Mỹ. Năm 2000, cuốn Passport Photos dành giải thưởng cuốn sách của năm từ chương trình Myers pour l’observatoire de l’intolérance et des droits humains (*) tại Mỹ.
Linda Lê
Linda Lê sinh năm 1963 tại Việt Nam. Bà đã chuyển đến định cư tại Pháp với mẹ vào năm 14 tuổi, 2 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Bà xuất bản từ năm 1993 tại nhà xuất bản Christian Bourgois, và dành giải thưởng Wepler vào năm 2010 cho tác phẩm Cronos. Năm 2015, tiểu luận Par ailleurs (exils) đã đoạt giải thưởng Louis Barthou của Viện hàn lâm tiếng Pháp.
****
Dưới đây là bản dịch từ chương trình giao lưu này:
Người dẫn chương trình Aurélie Charon:
Có một quyển sách luôn luôn được sáng tác từ trong một trạng thái bất an, và tha hương, những cuộc di chuyển đã mời gọi văn chương. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một câu trích của Linda Lê để mở đầu buổi giao lưu hôm nay về đề tài “Sáng tác lưu vong”: “Nói về tha hương, trước tiên để biết rằng không thể nói về tha hương.” Ngôn ngữ, trước khi chúng ta tìm thấy nó, chúng ta đánh mất nó, chúng ta đánh mất “vương quốc của ngôn từ”, như chữ dùng của bà. Nhưng văn chương cũng trở thành một quê hương mới như giải thích Amitava Kumar mà chúng ta sẽ đề cập đến trong buổi trò chuyện.
Chúng ta cùng nhau đi qua nhiều quốc gia khác nhau trong buổi tối ngày hôm nay.
Linda Lê, bà rời Việt Nam đến Pháp vào năm 14 tuổi năm 1977, từ đó bà đã xuất bản rất nhiều tiểu thuyết và cuốn đầu tiên vào năm 1986. Và bà cũng viết một tiểu luận phê bình văn học về các tác phẩm của nhiều các nhà văn lớn viết về đề tài tha hương trong cuốn Par Ailleurs (Exils) xuất bản năm 2014. Tôi nghĩ rằng nhà văn Marina Tsvetaeva là người rất quan trọng đối với bà.
Vâng, chúng ta có 3 nhà văn hôm nay, và tha hương, ký ức, những chuyến di cư, đi qua trong tiểu thuyết gần đây nhất của các nhà văn như:
Linda Lê trong cuốn Héroïnes, tiểu thuyết mới nhất của bà được xuất bản bởi Christian Bourgois. Cuốn tiểu thuyết viết về một thanh niên lớn lên ở vùng hồ Léman, Thụy Sĩ. Cha mẹ anh đã di cư từ Việt Nam vào khoảng những năm 60. Ký ức, tâm trí, sợi dây liên hệ với quê hương của anh bị đông cứng, bị ngủ quên. Và tất cả đã được đánh thức bởi hình ảnh một nữ ca sĩ nổi tiếng đến từ Sài Gòn.
Aurélie Charon: Amitava Kumar, ông từ vùng tây bắc của Ấn Độ, đến Mỹ năm 1986. Ông hiện là giảng viên tại trường Vassar College, New York. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được dịch sang tiếng Pháp mang tên Itinéraire d’un singe amoureux (Hành trình của một con khỉ đang yêu) của nhà xuất bản Gallimard. Đây là “một tác phẩm hư cấu mà không hư cấu” (une œuvre de fiction sans l’être) như lời ông nói về tác phẩm của mình. Từ trải nghiệm của chính mình, ông đã viết lên câu chuyện về Kailash người đến New York từ Deli do ảnh hưởng chiến tranh vùng Vịnh, để theo đuổi chương trình nghiên cứu văn học của mình tại Colombia. Và một trong nhiều câu hỏi mà anh ta quan tâm nhất là: “Từ khi nào tôi trở thành tôi của ngày hôm nay?” Trong hành trình đến Mỹ anh ta đã nói về về mong muốn mãnh liệt được kể chuyện, tình yêu, tình dục với nhiều sự hài hước…Cuốn tiểu thuyết này đã nằm trong danh sách những cuốn sách được yêu thích của Barack Obama năm 2018.
Có những sáng tác từ trải nghiệm tha hương, nhưng cũng có những sáng tác mà ở đó người viết như một nhân chứng. Linda Lê, tôi biết bà thích một câu trích dẫn của Maurice Blanchot “Cần cảm thấy bắt buộc phải viết.” Tôi có cảm giác cảm giác bắt buộc, cần thiết này đã dẫn dắt ông, Davide Enia. Ông sinh ra ở Palerme, lớn lên ở Sicile. Lần đầu tiên ông tới đảo Lampedusa khi ông 17 tuổi. Từ “Lampedusa” khắc sâu trong chúng ta hình ảnh về một cửa ngõ nơi người nhập cư đổ bộ đến. Và đó cũng là nguồn gốc ra đời tiểu thuyết thứ hai La Loi de la mer (Luật của biển cả) nhà xuất bản Albin Michel. Ông có 3 năm ở trên đảo để chứng kiến những gì đã diễn ra ở đây, giống như những gì đã diễn ra trong bài viết của Violaine Schwarts mà chúng ta vừa nghe ở đầu chương trình. (*) Ông đã gặp những người đã cố gắng đón tiếp, cứu giúp những ai có thể cứu được, những người làm công tác cứu hộ, những bác sĩ, những người dân địa phương, những người đánh cá…
Vâng, khi chúng ta nói về lưu vong, rất nhanh chúng ta sẽ nghĩ đến những câu hỏi: “Điều gì cho phép một cơ thể mới đặt chân vào một đất nước mới. Đó có phải là ngôn ngữ? Đó có phải là giấy tờ?” Có lẽ câu hỏi đầu tiên cho bà, Linda Lê, về những cuộc lưu vong, bởi bà dành viết riêng một cuốn tiểu luận về các tác giả văn học lớn trong đề tài này. Bà đã yêu mến những nhà văn đó như thế nào? Có hay không những người bạn đường và có những quyển sách nào đã hướng dẫn bà, đã giúp bà, đã chỉ lối cho bà?
Linda Lê: Có những người bạn hữu, có. Nhưng trong tập tiểu luận đó, lưu vong còn được hiểu theo hai nghĩa. Đó còn được hiểu theo cả nghĩa lưu vong trong tâm hồn. Có nghĩa là có những người chưa từng bao giờ rời khỏi quê hương họ nhưng sống trong một không gian lạc lõng, thiếu sự hòa hợp ở chính đất nước mà họ đang sống. Tôi đặc biệt nghĩ đến Thomas Bernard người mà tôi đã tập trung phân tích trong một chương. Hay trong một trường hợp khá phức tạp, như trường hợp của Klaus Mann, con trai của Thomas Mann, người một thời gian dài đã sống trong những mộng đẹp về một hình ảnh gần như là rực rỡ về cuộc sống tha hương, cho đến một ngày anh ta thực sự trải nghiệm thực tế những gì gọi là đi xa khỏi ngôi nhà của mình. Và vâng, có những nhà văn, những người mà luôn luôn…những người mà René Char gọi là “những đồng minh lớn”, có những người đồng minh lớn của tôi.
…..
(*) Trước khi vào buổi trò chuyện này có 30 phút nhà văn Violaine Schwarts đọc trích đoạn một tác phẩm viết về di dân của bà có tên “Giấy tờ” (Papiers).
(Còn tiếp)
Sơn Ca dịch từ bản audio.
(Ảnh của chương trình Les assises internationales du roman 2019)
Leave a Reply