Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một thân thể chết trôi nằm sấp nổi lềnh bềnh trên mặt nước, và tựa phim hiện ra: “THI CA”.
Sau đó tôi đi vào một câu chuyện mà cho đến khi kết thúc, cảm giác mình vừa được nếm trải một hương vị là lạ, nhẹ nhàng nhưng khó nắm bắt, khó diễn tả bằng ngôn từ dễ dàng.
Ngôn từ, cũng chất liệu đầu tiên để làm nên một bài thơ. Nhưng một người phụ nữ trung niên theo học lớp làm thơ, đang ở giai đoạn đầu của bệnh mất trí nhớ, dần quên đi ban đầu là danh từ, sau đó đến động từ. Mơ màng, lơ đãng nhìn tán cây và lắng nghe chim hót, nét mặt lúc nào cũng đắm chìm trong thơ và đi thơ thẩn bên ngoài, nếm một quả mơ rụng và cảm nhận vị ngon của nó. Kể về một trạng thái cảm xúc sâu sắc nhất của mình:
“Trong mỗi người đều có một tâm hồn thi ca nhưng nó chưa được thoát ra, hãy đi tìm nó hoặc hãy để cho nó có một đôi cánh, hãy cho nó một cảm xúc”. “Sáng tác thơ như là kéo ra những sợi tơ”. “Sáng tác thơ là đi tìm đến tận cùng vẻ đẹp của cuộc sống”…
Tất cả những điều đó là người ta (những nhân vật trong phim) nói về thơ ca đúng không? Là người ta nói, người ta định nghĩa, người ta dạy rằng làm thơ là như thế, như thế. Tất cả những điều đó là những mảnh ghép rời rạc về thi ca trong những cảm nhận ban đầu khi xem bộ phim. Nhưng không, tôi thấy rõ ràng rằng bộ phim còn hay hơn thế, thi ca không đơn giản như thế.
Khi lắng lại, lắng lại hồi lâu, từ từ những tinh tế ngầm ẩn của bộ phim hiện ra rõ nét hơn trong tôi, như cách những con chữ được viết bằng thứ mực tàng hình dần dần hiện lên trên trang giấy khi được nhè nhẹ hơ trên lửa. Những điều ngầm ẩn đó cũng là những gì tôi quan niệm về thi ca.
1. Người viết luôn viết ra những gì mà thế giới quan ở bên trong họ đang nghĩ về. Hay nói cách khác, họ nhìn sự vật bằng thế giới quan của riêng họ.
Câu chuyện về cô bé 16 tuổi nhảy xuống sông tự tử và chứng kiến mẹ cô bé như người mất hồn đứng trước cửa bệnh viện đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật chính của phim, bà Mija. Nên ngay khi biết rằng vụ tự tử này có liên quan đến cháu trai mình, bà lập tức bỏ ngay ra bên ngoài ngắm những bông hoa mào gà. Bà đã nhìn thấy mầu đỏ như máu và hình ảnh cái khiên khi miêu tả hình dáng của bông hoa.
Khi vào phòng khám bệnh thấy đóa hoa trà mầu đỏ (dù là hoa giả) bà cũng nghĩ đến cái chết của cô bé và nói với bác sĩ về ý nghĩa buồn thảm của mầu đỏ. Khi nhìn thấy những trái mơ rụng, bà miêu tả rằng những trái mơ tự rụng, để người ta dẫm nát, nhưng sẽ hồi sinh một cuộc đời tốt đẹp hơn. Khi một người đàn ông trong hội thơ tả về cảnh tắm, là đi tắm, giang ra, đút vào, và cảm ơn. Có thể đó chỉ là một lời bông đùa hơi thái quá của cánh đàn ông, nhưng bà đã ra ngoài và khóc, có thể do bà đang liên tưởng đến câu chuyện của mình.
2. Người làm thơ là những người luôn sống trong một thế giới nằm ở làn giữa của sự thơ mộng và thực tế, mà đôi khi chính sự đối lập của nó đã làm cho cảm xúc càng được đẩy lên những cung bậc cao hơn. Bà Mija mơ màng với cảnh vật xung quanh mong viết được một bài thơ, đi học lớp thơ, đi tham gia những buổi đọc thơ, trong cùng một lúc phải đối diện với thực tại về đứa cháu trai của mình, và cùng một lúc phải giải quyết hậu quả mà nó gây ra, cần phải có khoản tiền lớn quả sức của bà để bồi thường cho gia đình nạn nhân.
3. Nhưng điều này, mới là quan trọng hơn cả, và cũng là những điều tôi từng trải nghiêm khi làm thơ. Thơ ca, không đến từ vẻ đẹp hời hợt bên ngoài, thơ ca luôn đến, những mật ngọt của thơ ca luôn đến lại chính từ trong những sâu thẳm của nỗi đau và sự thương tổn. Thơ ca chỉ đến khi người viết đã từng trải nghiệm đến tận cùng mọi trạng thái của cuộc đời để có thể cảm nhận được sâu sắc về điều mà mình viết, hay nói đúng hơn là biết cách đặt vị trí của mình vào vị trí của nhân vật mà mình miêu tả.
Cái chết của cô bé và nỗi đau của mẹ cô có lẽ thực sự đã chạm đến sâu thẳm tâm hồn thi ca của bà Mija. Cháu của bà Mija, là một người vô cảm. Là một trong 6 thanh niên đã cưỡng hiếp cô bé, khiến cô bé tự tử, nhưng khi bà cố tình để ảnh của cô bé lên bàn, thằng bé nhìn với nét mặt dửng dưng, vô cảm, với tay lấy cái điều khiển mở ti vi xem. Còn Mija, bà là một người có tâm hồn thi ca, không chỉ là một tâm hồn mơ mộng đơn thuần với cỏ cây hoa lá chim hót, bà đã có một cuộc hành trình đi khám phá cảm giác của một cô bé khi bị cưỡng hiếp và tự tử là như thế nào. Bà đã tìm đến căn phòng thí nghiệm khuất nẻo trong trường. Bà đã ngồi ở ghế đá xem cháu mình đá bóng của lũ bạn. Và bà đã, đồng ý để cho người đàn ông (một người già cả bị liệt cần chăm sóc nhưng có nhu cầu được làm “đàn ông” trước khi qua đời) lạm dụng mình. Và bà đã, ở cuối phim, viết một bài thơ, bằng giọng của một cô bé 16 tuổi, gửi thư cho mẹ của mình, miêu tả cảm giác của mình khi chết. Và bà đã, chính bà đã, trở thành một bài thơ, ở cảnh cuối của bộ phim, máy quay để ở giữa dòng sông, và tiếng nước róc rách.
Để kết bài viết này, bản thân tôi cũng đã nhiều lần, cảm nhận một cách sâu sắc rằng, với người viết, cái khoảnh khắc hạnh phúc nhất cũng là cái khoảnh khắc kỳ quặc nhất trong cuộc đời, đó là có những khi, chính chúng ta trở thành một bài thơ, một tác phẩm, một tiểu thuyết. Đó là một tác phẩm không xuất bản, chỉ có chúng ta, trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta biết. Có những khoảnh khắc trong cuộc đời, chúng ta đã sống, như một bài thơ.
© Sơn Ca|15.2.2020
Bài đăng trên báo Phụ nữ:
Leave a Reply