Bài viết: Sơn Ca
“Vẫn là tôi đấy nhưng không phải là tôi đấy, không phải là tôi đấy nhưng vẫn là tôi đấy”, đó là cảm nghĩ của tôi khi xem tranh của họa sĩ Nguyễn Linh.
Bằng sự cẩn trọng của người cầm bút và sự say mê nghiêm túc với nghệ thuật, rất khó để tôi có thể viết về những nghệ sĩ, về những tác phẩm không đủ chiều sâu, không đủ gợi sự suy tư, không đủ cho mình tìm tòi những điều mới lạ, những góc nhìn mới lạ. Nhưng không khí tranh của họa sĩ Nguyễn Linh có đủ có đủ sự phong phú về đề tài, có đủ bề dày thời gian trải nghiệm của người sáng tác trên những lối đi lúc thăng hoa lúc bế tắc, lúc bị ảnh hưởng lúc sáng tạo riêng và có đủ sự mời gọi người xem cảm nhận, suy nghĩ và liên tưởng.
Nhìn lại sự nghiệp sáng tác của anh từ những triển lãm Nguyễn Linh 1, 2,3 và 4, tôi nhận thấy rõ ràng ở triển lãm Nguyễn Linh 5, trong anh đã có một dòng chảy thống nhất, khiến cho ở những đề tài khác nhau ta vẫn thấy anh. Trước những bức tranh trong đề tài Cơn bão, Sóng biển, Mỏ và Chân dung, tôi tự đặt cho mình những câu hỏi: Tại sao anh lại dùng những kỹ thuật đó? Tại sao tôi lại thích 4 chủ đề trên mà không cảm thấy bị cuốn hút bởi đề tài Tranh chèo hay Tranh phong cảnh của anh?
Cảm nhận chỉ là những cái nhìn thoáng qua ban đầu. Phải mất nhiều suy tư, liên tưởng và tra cứu, tôi mới nhận ra một điểm chung khiến mình bị cuốn hút trong cả bốn chủ đề khác nhau ấy: đó là sự chuyển động. Sự chuyển động trong tranh của anh đã gợi mở sự liên tưởng đến những chuyển động trong nội tâm sâu thẳm của mỗi con người.
1. Chuyển động trong tranh Chân dung:
“Nét Linh” là một từ mà nhà nghiên cứu Phạm Long đã dùng để miêu tả về tranh của họa sĩ Nguyễn Linh trong triển lãm Nguyễn Linh 4. Khi xem lại những bức tranh đó, tôi chưa nhìn thấy tính chuyển động trong nét của anh, chưa nhìn thấy một lối đi mang phong cách rõ ràng. Ngay kể cả những bức tranh có chủ đề sinh hoạt như “Làng tôi có hội làng” hay “Múa sư tử” ta cũng không thấy rõ tính chuyển động dù cảnh lễ hội miêu tả sự chuyển động. Cũng có thể do trong những tác phẩm ấy, dù “nét Linh” rất chi tiết, tỉ mỉ và công phu, nhưng có ảnh hưởng từ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và vì nó tả thực, nên không gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc mới lạ.
Tranh chân dung từ triển lãm Nguyễn Linh 4 đến triển lãm Nguyễn Linh 5, dẫu cùng là “nét Linh” đấy, nhưng hẳn nhiên, bộ tranh mới sáng tác sau chỉ gần hơn 2 năm, cho thấy một sự tìm tòi, khổ luyện và chạm đến được tận cùng nội tâm bên trong của nhân vật.
Người nghệ sĩ thành công là người sẽ dần thoát khỏi thần tượng của mình, đạp đổ thần tượng của mình, tự làm mới mình, tự hủy mình và chạm đến hoặc làm nên một mình mới. Đi ra khỏi bóng của Francis Bacon, tranh chân dung và chân dung tự họa của họa sĩ Nguyễn Linh đã hoàn toàn chinh phục người xem. Sự đầu tư đầy đặn và công phu hơn trong từng nét vẽ đến cách phủ màu, đặc biệt là sự lột tả nội tâm và cá tính nhân vật qua từng đôi mắt đã cho thấy đây không chỉ đánh một dấu mốc mới trong con đường sáng tác của anh mà còn là một bộ tranh có giá trị về thẩm mỹ và ý nghĩa thời đại. Những nhân vật được miêu tả trong tranh là những văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam làm ta gợi nhớ đến những bức ảnh chụp chân dung văn nghệ sĩ một thời ở Pháp bởi các nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson hay Robert Doisneau trong sự tương đương về sự lưu giữ ký ức văn hóa một thời để lại. Và trong đề tài chân dung tự họa, theo dòng thời gian từ những bức đầu tiên đến nay, họa sĩ Nguyễn Linh có lẽ đã càng ngày càng muốn khắc họa về bản thân chân thực, trọn vẹn và đôi khi là đi xuyên qua cái đẹp của nội tâm, đi xuyên qua niềm hạnh phúc để chạm đến chiều bên kia của nó.
Vậy, sự chuyển động trong những bức tranh chân dung này nằm ở đâu? Đó là các họa sĩ sử dụng những đường nét, khi thì thanh mảnh, khi thì ngắn và đậm đặt ngang dọc lên khuôn mặt nhân vật. Đồng thời, họa sĩ sử dụng những mảng màu trơn và đậm, đôi khi có sự tương phản trong vòng tròn màu, đặt làm nền phía sau bức chân dung hoặc phủ nhẹ lên trên bức chân dung để tôn lên những đường nét ấy.
Không giống như cử chỉ thô bạo của bàn tay của người họa sĩ đặt lên khuôn mặt nhân vật trong những bức tranh của Francis Bacon (theo chữ của Milan Kundera), những đường nét và mảng màu mà họa sĩ Nguyễn Linh đặt lên khuôn mặt những nhân vật của mình, giống như sự khắc họa về những phần sáng tối trong nội tâm con người hoặc những dòng thời gian, những dòng suy tư đang trôi chảy trên những khuôn mặt người. Những đường nét mà người họa sĩ đặt lên từng khuôn mặt, tại sao là nét thanh ấy, tại sao là nét đậm ấy, tại sao ở vị trí ấy, không hẳn đến từ một sự định trước, nó phải là nhịp điệu chảy ra từ bên trong khi người cầm cọ, và nó chính xác là một sự ngẫu hứng trong khoảnh khắc ấy. Nếu họa sĩ vẽ vào một thời gian khác, thì những đường nét ấy sẽ có một dòng chảy hoặc một nhịp điệu khác, sẽ nằm ở những vị trí khác. Bởi vậy, để tạo ra sự chuyển động bằng đường nét, người ta phải qua rèn luyện, cảm thụ sâu sắc và có một nhịp điệu riêng ở bên trong mình.
2. Chuyển động trong Cơn bão, Biển và Mỏ
Chuyển sang đề tài Cơn bão, Biển và Mỏ trên những bức toan khổ lớn, dường như người nghệ sĩ có một không gian khoáng đạt hơn để đặt những dòng chảy của mình trên hàng trăm nét vẽ vừa tỉ mỉ vừa ngẫu hứng.
Một bức tranh mang sự chuyển động là một hành trình không phải là một điểm đến. Ngoài yếu tố về bố cục, màu sắc…nét vẽ của họa sĩ sẽ dẫn dắt ánh mắt của người xem từ đó gợi lên những cảm giác và thúc đẩy trí tưởng tượng. Những bức tranh mang lại cảm giác chuyển động nổi tiếng nhất có lẽ là tranh của họa sĩ Van Gogh, trong đó tiêu biểu là bức tranh Đêm đầy sao. Van Gogh hay sử dụng các yếu tố lặp đi lặp lại, thay đổi độ dày, độ dài, độ mịn và điều hướng các nét vẽ để tạo sự chuyển động.
Những Cơn bão đang đi qua hoặc vừa đi qua trong tranh của họa sĩ Nguyễn Linh được thể hiện qua sự chuyển động ngả rạp của những cánh đồng cỏ. Một số họa sĩ Việt Nam vẽ tranh trừu tượng bị hỏng ngay từ cách phối màu sắc cho đến đường nét. Người ta không thể nguệch ngoạc những mảng màu trên toan như một sự vô tri không tính toán và chờ đợi người xem tự đổ ập nội tâm của mình vào. Còn sự phối hợp màu sắc trong loạt tranh của họa sĩ Nguyễn Linh thể hiện sự tinh tế và làm chủ màu sắc của người nghệ sĩ. Và nét, hàng trăm đường nét miêu tả từng ngọn cỏ tạo nên chuyển động và linh hồn cho những bức tranh ấy. Người làm chủ được từng nét vẽ nhỏ li ti trên một không gian rộng lớn mà vẫn giữ nguyên được nhịp điệu để đồng cỏ ngả nghiêng theo đúng chiều đi của cơn bão chính là người làm chủ được nhịp điệu bên trong mình. Những nhà thơ cũng thế. Không ai dạy cho ai được nhịp điệu, mà đó là nhịp điệu riêng ở bên trong mỗi người.
Sự chuyển động trong đề tài tranh Biển của họa sĩ Nguyễn Linh có thể cảm nhận rõ hơn vì bản thân việc miêu tả sóng biển là tả thực. Những dòng chảy ngầm trong lòng đất với đề tài Mỏ sẽ gợi mở sự liên tưởng trong tâm trí người xem nhiều hơn. Cũng như trong đời sống hay trong nội tâm con người, có những điều ta dễ dàng nhìn thấy và nghe thấy như những con sóng biển lúc dâng lên trắng xóa lúc đập vào ghềnh đá và những điều ta không nhìn thấy và không nghe thấy như tiếng thì thầm của từng thớ đất trong hầm mỏ.
Ở hai đề tài này, người xem sẽ được trải nghiệm bởi những gam màu khác nhau dành riêng cho Biển và dành riêng cho Mỏ. Có thể nhận thấy, trong kỹ thuật vẽ sóng biển, họa sĩ Nguyễn Linh cố gắng thể hiện bằng nhiều kiểu nét vẽ khác nhau để khắc họa từng dáng hình khác nhau của sóng. Nhưng làm sao để vẽ được dòng chảy của đất, làm sao để lắng nghe được tiếng thì thầm của đất? Đây hẳn là một thách thức với cả người sáng tác và người xem. Nhưng nó gợi mở sự tò mò, gợi mở sự đi xa hơn, gợi mở những khám phá sâu sắc hơn, đang còn chờ ở phía trước.
Sơn Ca
Leave a Reply