“Con ruồi đã chết ở đó lúc ba giờ hai mươi.” Ta nghĩ gì về một con ruồi đã chết, chết ở đó, chết vào lúc ba giờ hai mươi? Trong cuốn Viết, Marguerite Duras kể, khi bà chỉ vào con ruồi vừa chết và nói như vậy với cô Michelle Porte, người đến làm phim tài liệu, cô đã cười ngặt nghẽo, dù bà mỉm cười mong chuyện ấy chấm dứt, nhưng cô vẫn cười.
Duras đã dành nhiều trang sách để mô tả lại tỉ mỉ và phân tích về cái chết của con ruồi mà bà đã chứng kiến. Đằng sau cái chết vô danh đó, nỗi đau cũng tương tự như cái chết của viên phi công trẻ người Anh trong chiến tranh, hay cái chết của hàng triệu người Do Thái trong thảm họa diệt chủng. Với Duras, cái chết của con ruồi mang tính tổng quát trên bản đồ chung của cuộc đời trên trái đất.
” Đó là một cuốn sách.
Là một bộ phim.
Là đêm tối.
Giọng nói ở đây là giọng, được viết ra, ở cuốn sách.
Giọng nói mù lòa.
Không diện mạo.
Trẻ măng.
Lặng lẽ.”
Những câu văn trên trong tiểu thuyết Người tình Hoa Bắc của Duras nói lên điều gì? Là thơ, là văn, là kịch bản phim hay chỉ là những từ ngữ đơn lẻ xếp cạnh nhau vô nghĩa? Có gợi hình, có gợi cảm, có mang câu chuyện nào đằng sau đó chưa được viết ra không?
Ta, người đọc, đôi khi có thể sẽ giống cô Michelle Porte, ta chẳng cảm nhận gì, hoặc chỉ thấy đó là những câu chữ tầm phào. Nhưng Duras đã viết trong cuốn Viết: “Có một thứ văn chương của cái-không-viết-ra. Một ngày nào đó nó sẽ đến. Một thứ văn chương ngắn gọn, không ngữ pháp, một thứ văn chương chỉ toàn các từ. Những từ không có ngữ pháp làm nền tảng. Lạc lối. Đó, những tác phẩm.”
Điều này giống như họa sĩ người Pháp Pierre Soulages viết: “Tôi đã xóa bỏ hết những đường nét tươi đẹp của phong cảnh, chỉ giữ lại những vùng đá khoáng sa mạc, sự bao la nơi những đàn gia súc và con người biến mất, đá trập trùng giữa đá.” (1) Soulages không chỉ xóa bỏ những đường nét tươi đẹp của phong cảnh, ông bỏ đi toàn bộ những màu sắc khác, chỉ giữ lại màu đen. Cách mà Duras đặt những câu văn ngắn gọn, không ngữ pháp, nơi ta chỉ thấy bề mặt thô ráp của ngôn từ, cũng giống như Soulages, họa sĩ bậc thầy của màu đen và ánh sáng, đã vẽ bằng cách chỉ đặt những nét cọ màu đen nằm cạnh nhau.
Marguerite Duras và phong trào tiểu thuyết mới
Nhắc đến Marguerite Duras không thể không nhắc đến phong trào tiểu thuyết mới ở Pháp vào đầu những năm 1950 đến những năm 1970, là khuynh hướng tiên phong trong việc mở đường cho văn chương đến với điện ảnh. Tiểu thuyết mới đã phá bỏ lối kể chuyện truyền thống, nơi câu chuyện chỉ có một tuyến tính, một dòng chảy của thời gian, ngôi kể chuyện cố định, tên người và xuất xứ nhân vật rõ ràng. Alain Robbe-Grillet là người đầu tiên đưa ra khái niệm tiểu thuyết-điện ảnh, chú ý đến cái nhìn, chú trọng bút pháp miêu tả bằng ngòi bút-camera, đưa văn bản viết gần gũi hơn với các phân cảnh điện ảnh, các chương được phân chia thành các đoạn văn ngắn không theo trật tự thời gian, giống kỹ thuật dựng phim trong điện ảnh. (2)
Đập ngăn Thái Bình Dương, Người tình và Người tình Hoa Bắc của Duras đều có chung đề tài Đông Dương, đều có bi kịch liên quan đến mảnh đất ngập mặn ở Cam Bốt mà người mẹ bị lừa mua. Đập ngăn Thái Bình Dương được viết năm 1950, tuy vào đầu thời kỳ của phong trào tiểu thuyết mới, nhưng vẫn mang dáng dấp của lối kể chuyện truyền thống. Năm 1984, Duras viết tiểu thuyết Người tình, sau gần 30 năm kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên được bà viết theo phong trào tiểu thuyết mới là cuốn Le Square (1955), nghệ thuật viết của bà đã đi xa hơn rất nhiều so với những gì mà phong trào tiểu thuyết mới đã định nghĩa, giúp bà dành giải Goncourt với kỷ lục sách được bán ra là 1,63 triệu bản. Kỷ lục này vẫn đứng đầu danh sách tiểu thuyết đoạt giải Goncourt được bán ra nhiều nhất cho đến nay.
Ở những trang đầu của Người tình, Duras viết: “Tôi đã viết nhiều về những thành viên trong gia đình tôi, nhưng lúc bấy giờ họ đều còn sống, mẹ tôi và những người anh tôi. Và tôi đã đi vòng quanh họ, đi vòng quanh tất cả những điều này mà không thực sự nắm bắt lấy họ.” Như vậy, Người tình đã đi sâu hơn, đã nhìn trực diện hơn, đã viết ra được nhiều hơn những điều không viết hoặc chưa thể viết ở những tiểu thuyết trước. Không đồng tình với đạo diễn Jean-Jacques Annaud trong việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim, Duras đã viết lại Người tình theo lối thể nghiệm văn bản, vừa là tiểu thuyết văn học vừa là kịch bản phim. Năm 1991, tiểu thuyết Người tình Hoa Bắc đã được ra đời như thế. Tiểu thuyết sau không chỉ là sự tái cấu trúc về mặt phong cách so với tiểu thuyết trước, tác phẩm còn chứa đựng những điều mà Duras đã không viết ra ở tiểu thuyết trước.
Tiểu thuyết Người tình và Người tình Hoa Bắc
Người tình là một tiểu thuyết văn học chứa đựng nhiều ngôn ngữ điện ảnh như thể bản thân văn bản đã trở thành những thước phim giàu hình ảnh chạy qua tâm trí người đọc. Không gian, thời gian, ngôi kể chuyện, điểm nhìn của nhân vật được dịch chuyển tài tình, khiến cho mỗi trường đoạn nhỏ của tác phẩm giống như những mảnh mosaïque được Duras tỉ mỉ sáng tạo riêng biệt, rồi đặt chúng cạnh nhau trong trạng thái rất phiêu của cảm xúc, khiến chúng trở nên mềm mại, mơ hồ, không cần hiểu, không cần lý giải.
Nhịp điệu của sự dịch chuyển này ban đầu được kéo giãn ở những chương đầu của tiểu thuyết. Trường đoạn cô gái trên chiếc phà qua sông được viết theo dòng ý thức, khi suy nghĩ của nhân vật chảy như những nhánh sông nhỏ, lúc trải ra, lúc bện chặt lấy nhau, để rồi trở đi trở lại điểm mốc chính là khi cô đang đứng trên phà. Đồng thời, Duras đã dùng đồ vật để kể chuyện, dùng mũ, áo, giầy…để khéo léo hé lộ cho bạn đọc biết về hoàn cảnh gia đình và người mẹ.
Nhịp điệu dịch chuyển mỗi lúc một nhanh hơn, ở những chương gần cuối tác phẩm, các phân cảnh thay đổi liên tục, nhòe vào nhau, chồng chéo lên nhau. Một trường đoạn đẹp nơi hình ảnh đan xen vào nhau là cảnh xen kẽ chuyện tình của bà Lớn với một thanh niên ở Savana Khét, người trẻ hơn bà nhiều tuổi đã tự sát bằng một viên đạn, với chuyện tình của cô gái cùng chàng triệu phú người Tàu. Nhưng đẹp và xúc động hơn cả có lẽ là trường đoạn trong hành trình cô gái trên tàu về Pháp, nơi cô kể về một người thanh niên trẻ nhảy xuống đại dương tự vẫn trong đêm; rồi một đêm khác khi nghe tiếng nhạc Chopin vang lên dưới bầu trời được thắp sáng bởi những vì sao rực rỡ, cô đã định đứng lên với ý nghĩ sẽ gieo mình xuống biển cả; và bất chợt cô nghĩ về người tình Trung Hoa: “Nàng không chắc chắn rằng nàng đã không yêu chàng với một tình yêu nàng không nhìn thấy, bởi vì tình yêu đó đã đánh mất chính nó trong cuộc tình như nước trong cát.”
Trong cả hai tiểu thuyết, Duras chỉ dùng tình yêu ấy làm nền để kể những câu chuyện khác. Người tình còn kể về tình yêu thương quá đà của mẹ cho người anh cả, mối quan hệ khắc nghiệt giữa cô gái và mẹ, tình yêu cùng huyết thống của cô với người anh thứ, phức cảm đồng tính của cô và cô bạn Hélène. Câu chuyện về mảnh đất bị ngập mặn ở Cam Bốt và sự bất nhân của người anh cả cũng là những tình tiết không thể bỏ qua. Cách kể chuyện của tiểu thuyết đi từ ngôi thứ nhất, sang ngôi thứ ba, sang ngôi người kể chuyện trung tính như trong kịch bản phim. Không gian trong tiểu thuyết còn được dịch chuyển sang Pháp ở giai đoạn sau khi gia đình đã rời Đông Dương còn thời gian luôn được đo bằng tuổi của cô bé.
Người tình Hoa Bắc đã hé lộ thêm những điều Duras chưa nói hết ở Người Tình, hoặc có thể, những điều viết thêm ra chỉ là tưởng tượng để bà có cơ hội được xoa dịu và nguôi ngoai đi những nỗi đau. Những điều viết thêm này như những cành cây trổ thêm nhánh, nơi xuất hiện thêm nhân vật Thanh và cộng thêm một tình yêu nữa của cô gái với nhân vật này. Không gian ở Pháp không được nhắc đến, thời gian chính xác bắt đầu câu chuyện vào năm 1930, nhưng những mối quan hệ tình cảm giữa các nhân vật trở nên chồng chéo và phức tạp hơn. Phức cảm đồng tính rõ hơn khi Hélène được xuất hiện nhiều hơn. Mảnh đất ngập mặn ở Cam Bốt và người anh cả cũng được đẩy ra làm phân cảnh chính, được đặt lên bàn để làm cuộc trao đổi về tiền bạc rõ ràng hơn. Cô gái, đã thực sự làm tình với người anh thứ của mình.
Người tình Hoa Bắc có thể như một sự thèm khát được giải đáp cho một câu hỏi, một niềm hy vọng hoặc một sự xoa dịu về tình mẫu tử giữa cô gái và mẹ. Đó là điểm quan trọng khác biệt nhất trong nội dung giữa hai tiểu thuyết. Ngay từ đầu, cô gái tha thiết hỏi mẹ tại sao mẹ lại yêu người anh cả như thế, mà chẳng bao giờ yêu cô và người anh thứ. Cô đã khóc về sự bất công khủng khiếp mà mẹ cô là nạn nhân trong sự lừa gạt của bọn người da trắng ở sở địa chính Pháp. Cô thương mẹ. Còn người mẹ cũng tỏ tình cảm với cô gái nhiều hơn qua lời nói, cử chỉ, hành động và đặc biệt bà đã quyết định tách rời người anh cả từ rất sớm để bảo vệ hai đứa con còn lại.
Trong những mối quan hệ yêu đương chằng chịt và những phức cảm nội tâm của nhân vật, ta có cần phải hiểu sâu xa đằng sau những mối quan hệ này thực chất ai yêu ai không? Hay những nhân vật Duras tạo ra chỉ là những ảo ảnh trong tâm trí bà được hắt lên tấm màn chiếu, như muốn viết ra những ẩn ức sâu xa của nhân vật trong tiểu thuyết hay của chính mình, đã phải chịu đựng những tác động và hậu quả từ bối cảnh sống, từ hiện thực.
Duras cho rằng, nỗi đau là thứ mà chúng ta không thể viết về nó một cách trọn vẹn nên khi không thể đi thẳng vào nó, người ta sẽ đi lòng vòng quanh nó. Các nhân vật cũng vậy, những cái tôi bị tổn thương và bị đè nén sẽ trổ những nhánh cây khác tạo nên những phức cảm nội tâm. Vì thế, tình yêu, nỗi đau, niềm khao khát thường được ẩn sâu hơn bên dưới lớp vỏ của ngôn từ. Đằng sau nỗi đau và thân phận con người, là hiện thực, chính là hiện thực mà Duras muốn nói đến.
Kết
Duras viết trong tác phẩm Viết:
“Văn chương, nó đến như cơn gió, nó trần trụi, nó là mực viết, nó là điều được viết ra, và nó trôi qua như không có bất kỳ điều gì khác trôi qua trong đời, không gì hơn, ngoài nó, cuộc sống.”
Những điều ta thấy qua văn chương là những điều được viết ra, những điều có thể kể lại, và kể đi kể lại một câu chuyện, bằng nhiều cách khác nhau, thêm vào, bớt đi, trực diện hoặc né tránh, kể thật hoặc tưởng tượng, hoặc hoang tưởng, hoặc phân tách thành nhiều cái tôi trong vô thức, trong chấn thương, trong ẩn ức bị kìm nén. Còn trong cuộc đời, những nỗi đau câm lặng mà con người phải chịu đựng, đôi khi là những điều không được viết ra, hoặc không thể viết ra. Chính điều đó, một lần nữa Duras khẳng định trong tác phẩm Viết: “Viết văn cũng là không nói năng gì, là im miệng, là gào thét không thành tiếng”. Điều này đã làm nên văn chương của điều không viết ra. Cô đơn, để rồi viết. Viết trong cô đơn. Viết nhưng không thể nói hết. Cô đơn, càng cô đơn sau khi viết, và vì thế nhà văn viết, viết mãi.
Sơn Ca
Chú thích:
(1) Pierre Soulages, Những phát ngôn về nghệ thuật. Fage éditions 2017.
(2) Khuynh hướng tiểu thuyết – Điện ảnh trong Văn học Pháp thế kỉ XX, Trần Hinh.
Những câu văn, đoạn văn in nghiêng trong bài được trích từ các tác phẩm:
Viết, Marguerite Duras, Trần Văn Công dịch. Nhã Nam và NXB Văn học năm 2010.
Người tình, Marguerite Duras, Lê Ngọc Mai dịch, Nhã Nam và NXB Văn học năm 2007.
Người tình Hoa Bắc, Marguerite Duras, Lê Hồng Sâm dịch, Bách Việt và NXB Văn Học, năm 1991.
Leave a Reply