Mùa thu năm 1979, trên chuyến xe bus từ quảng trường République tới quảng trường Bastille, Paris, một thanh niên người Bỉ đột nhiên quyết định viết cuốn sách đầu tiên của đời mình. Nhiều năm sau, khi trở thành nhà văn nổi tiếng, anh vẫn còn nhớ rõ câu văn mở đầu cuốn sách ấy: “Tình cờ tôi khám phá ra trò chơi cờ vua.” Đó là nhà văn, nhà làm phim, nhiếp ảnh gia Jean-Philippe Toussaint với tiểu thuyết đầu tay không xuất bản có tên gọi Cờ vua.
Câu chuyện trở thành nhà văn của Toussaint cũng là một khám phá tình cờ. Hồi đó, niềm đam mê duy nhất của ông là điện ảnh. Trong cuốn Những bộ phim của đời tôi, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của phong trào Làn sóng mới là François Truffaut đã khuyên những người trẻ nuôi mộng làm phim nếu không đủ nguồn lực thì viết sách, chuyển kịch bản thành sách. Cùng thời gian đọc cuốn sách của Truffaut, Toussaint đã đọc tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Dostoïevski. Tác phẩm của Dostoïevski đã để lại trong ông những cảm xúc mạnh mẽ và ngay sau đó một tháng, trên chuyến xe bus mùa thu Paris, Toussaint bắt đầu quyết định viết văn, và viết mãi cho đến bây giờ. (1)
Tiểu thuyết Cờ vua được Toussaint viết đi viết lại trong 5 năm, với 9 phiên bản khác nhau, là những thử nghiệm văn chương sáng tạo, dịch chuyển từ ngôi kể chuyện thứ nhất sang thứ ba, từ thì hiện tại sang thì quá khứ. Tuy không xuất bản chính thức nhưng tiểu thuyết này là một chìa khóa quan trọng để mở lối vào những tiểu thuyết khác sau này của Toussaint, đặc biệt là tác phẩm Buồng tắm, ra mắt năm 1985 tại nhà xuất bản Minuit.
Sự thành công của Buồng tắm đã chính thức giúp Toussaint đặt chân vào lĩnh vực văn chương, xuất bản hàng loạt tác phẩm nổi tiếng, giành nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thực hiện nhiều triển lãm về nhiếp ảnh, viết kịch bản và làm phim nhưng Toussaint vẫn được biết đến nhiều hơn ở vai trò nhà văn. Ông chia sẻ trên đài France Culture rằng, dù điện ảnh là tình yêu đầu, nhưng về sau, càng đọc, càng viết ông càng yêu văn chương, càng cảm thấy đây chính là niềm đam mê đích thực.
Toussaint và các tác giả của Nhà xuất bản Minuit
Nhà xuất bản Minuit là nơi cho ra đời các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Samuel Beckett từ năm 1951. Đặc biệt, vào năm 1953, khi vở kịch Trong khi chờ Godot của Beckett xuất hiện trên sân khấu và tạo nên tiếng vang cũng là lúc Alain Robbe-Grillet, người gây chú ý bởi bài viết về vở kịch này trên tạp chí Phê bình, cho ra mắt tác phẩm đầu tay Những cục tẩy. Robbe-Grillet làm nên tiền đề của phong trào Tiểu thuyết mới và biến nhà xuất bản Minuit trở thành cái nôi của phong trào văn chương này. (2)
Xuất hiện sau hơn 30 năm tại nhà xuất bản Minuit, Jean-Philippe Toussaint khẳng định Beckett là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới sự nghiệp văn chương của mình và chia sẻ những đồng tình với lý thuyết về Tiểu thuyết mới của Robbe-Grillet. Tuy nhiên, ở những tác phẩm sau những năm 2000, Toussaint đã nỗ lực đi ra khỏi cái bóng lớn của Beckett (3). Đối với Robbe-Grillet, Toussaint cho rằng việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm của mình có sự khác biệt với người đặt nền móng cho phong trào Tiểu thuyết mới. Theo Toussaint, vẫn cần phải giữ lại những yếu tố lãng mạn của tiểu thuyết và việc Robbe-Grillet triệt tiêu tính con người của nhân vật sẽ làm mất đi cảm xúc, mất đi sợi dây giao cảm giữa người viết và người đọc. (4)
Văn chương của Toussaint là một dòng chảy không ngừng, khi mỗi tác phẩm mới ra đời, là một lần ông để cho nhân vật của mình nỗ lực rời khỏi không gian khép kín để mở cửa với thế giới. Cờ vua và La Clé USB của Toussaint là hai tác phẩm được viết cách nhau 40 năm, từ khi lần đầu tiên Toussaint lúng túng gõ bằng hai đầu ngón tay trên chiếc máy chữ cũ, đến thời của hiện tại, khi ông ghi lại những câu văn của mình trên điện thoại smartphone vì ông phải đi bộ và di chuyển nhiều.
Cờ vua là một tác phẩm kể về hai người đấu cờ với nhau trong một thế giới khép kín, tách biệt với hiện thực, một tác phẩm trừu tượng về một cuộc đời trừu tượng. Một thế giới khép kín, trong tiếng Pháp là “un huis clos“ còn là tên một vở kịch của Jean-Paul Sartre, là biểu tượng của Chủ nghĩa hiện sinh, một phong trào văn chương của Pháp đầu thế kỷ 20, nơi con người được định nghĩa, được xác định bởi hành động của họ. Cờ vua là chìa khóa để mở ra tác phẩm Buồng tắm của Toussaint.
Chuyển động và bất động trong tác phẩm Buồng tắm
Buồng tắm được mở đầu bằng lời đề từ trích dẫn định lý của Pythagore:“Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông.” Cấu trúc tiểu thuyết chia làm 3 phần với tên gọi: Paris, Cạnh huyền, Paris tương ứng với câu chuyện về một thanh niên trẻ ở Paris một ngày quyết định sống trong buồng tắm, rời Paris đi nghỉ ở Venise, quay trở về buồng tắm. Nếu vẽ một tam giác vuông tương ứng, ta có thể thấy trạng thái của cạnh huyền ở phân cảnh nhân vật có sự di chuyển là trạng thái cheo leo hơn trạng thái cân bằng của hai cạnh góc vuông còn lại.
Trong tác phẩm này, Toussaint viết: “[…] tôi trần tình với Edmondsson là có lẽ không được lành mạnh cho lắm khi, hai mươi bảy tuổi đầu, sắp sang hai mươi chín, mà lại sống co mình về bồn. Tôi phải liều, […] liều xâm phạm sự tĩnh tại trong cuộc đời trừu tượng của mình để mà. Tôi bỏ lửng câu.” Nhân vật của Buồng tắm đã suy tư về việc sẽ liều mình đi ra khỏi vùng an toàn của mình để làm gì, câu nói ấy, dù được nhắc đến ở cả phần đầu và phần kết trong tiểu thuyết thì vẫn là một câu nói bỏ lửng.
Đồng thời, việc để nhân vật đọc cuốn Suy tưởng của Pascal và trích dẫn lời của Pascal trong tiểu thuyết, Toussaint chia sẻ một tư tưởng của triết gia này thông qua tiểu thuyết là: “Mọi bất hạnh của loài người đều đến từ một điều duy nhất, đó là không biết cách ngồi yên lặng trong một căn phòng.”
Xây dựng hình ảnh một người thu mình trong thế giới riêng, một mặt, tác giả đề cao trạng thái yên tĩnh của con người trong một không gian, mặt khác, tác giả lại để nhân vật của mình trăn trở về sự bất động của mình. Chuyển động và bất động, được nhắc đến xuyên suốt trong tiểu thuyết Buồng tắm, cũng là một đề tài quen thuộc trong các tác phẩm của Toussaint sau này.
Trong Buồng tắm, xen giữa những đoạn văn với giọng kể trung tính về những câu chuyện phi lý hoặc tầm phào của nhân vật, những đoạn văn tác giả viết về chuyển động và bất động đều là rất đẹp, đáng nhớ và gợi mở nhiều suy ngẫm như: đoạn văn có hai cách ngắm mưa, đoạn văn nhân vật ngồi trên tàu đi Venise cảm nhận về sự chuyển động bên ngoài và sự chuyển động bên trong, đoạn văn khi nhân vật dùng tất cả mọi sức lực của mình để bất động thì lại cảm thấy sự chuyển động đang chảy bên trong mình.
Nhưng hay nhất vẫn là đoạn tác giả dùng hội họa và cờ vua để nói về chuyển động và bất động:
“Tôi thích tranh Mondrian ở sự bất động. Không họa sĩ nào tiệm cận bất động gần tới độ ấy. Bất động không có nghĩa vắng chuyển động, mà là vắng toàn bộ viễn cảnh chuyển động, bằng với cái chết. Hội họa, nhìn chung, không bao giờ bất động. Giống như trong cờ vua, bất động của hội họa thì động. Mỗi bức tranh, uy lực bất động là một tiềm lực chuyển động. Còn ở Mondrian, bất động là bất động. Có lẽ Edmondsson thấy Mondrian chán òm là vì thế. Tôi thì lại được ông trấn an.”
Trong đoạn văn này, Toussaint nhắc đến trò chơi cờ vua, thực chất, đây là một mảnh ghép có liên quan đến tác phẩm Cờ vua. Có một chi tiết nhỏ trong Buồng tắm dẫn đến Cờ vua thông qua một cái tên. Nhân vật họa sĩ đến sơn tường trong Buồng tắm tên là Kabrowinskigần giống với Koronskis tên nhân vật chính trong tiểu thuyết Cờ vua, người đã dành cả đêm để chơi cờ trong một căn phòng phía sau quán café. Khi Koronskis tìm được cách thắng trong ván cờ tưởng chừng mình sắp thua, anh thốt lên rằng: “Tôi đã hiểu rõ hơn sự chuyển động của uy lực bất động.” (5)
Trên bàn cờ, mỗi quân cờ đứng yên nhưng bản thân sự bất động của nó có ẩn chứa một khả năng, một uy lực của sự chuyển động. Điều này gợi lên sự liên tưởng về một người khi đang đứng yên hoặc ở trong một thế giới khép kín, không có nghĩa là đã chết mà bên trong họ vẫn ẩn chứa một tiềm năng chuyển động, một khả năng đi ra khỏi vị trí của mình, thậm chí đôi khi, có thể như quân cờ trên bàn cờ của Koronskis, giành phần thắng trong ván cờ tưởng đã sắp thua. Nhưng sự chuyển động đó, như trong đoạn văn đã trích bên trên, người đó cần phải liều mình trước những rủi ro khi ra khỏi trạng thái đứng yên: “Tôi cần phải liều xâm phạm sự tĩnh tại trong cuộc đời trừu tượng của mình để mà.” Toussaint để bỏ lửng câu nói của nhân vật, có lẽ để mỗi người đọc tự điền vào vế sau của mình.
Ta cũng có thể tìm kiếm câu trả lời cho nhân vật của tác phẩm khi lần theo dấu vết của một cái tên nữa trong Buồng tắm. Hãy để ý đến cái tên Eigenschaften mà nhân vật chính bịa ra khi được hỏi tên tại Đại sứ quán Áo. Eigenschaften trong tiếng Đức nghĩa là “phẩm chất“ nằm trong tiêu đề tiểu thuyết nổi tiếng Người đàn ông không có phẩm chất của nhà văn Robert Musil. Ulrich trong tác phẩm của Musil được cho là có nhiều điểm tương đồng với nhân vật chính của Buồng tắm, đã quyết định nghỉ ngơi trong một năm để tìm kiếm những khả năng tiềm ẩn bên trong mình. (6)
Toussaint trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2005 chia sẻ, nếu là người kết thúc câu nói bỏ lửng trên, ông sẽ nói rằng: “Tôi cần phải liều xâm phạm sự tĩnh tại trong cuộc đời trừu tượng của mình để mà nói về tôi, nói về hiện tại, về thời đại của mình. Đó cũng chính là điều mà tôi đã không ngừng làm sau đó.” (7)
Cái nhìn trong văn chương của Toussaint
Buồng tắm là tiểu thuyết đầu tay của Toussaint, nơi dấu ấn của Beckett vẫn còn in đậm trong phong cách, nên cấu trúc nối điểm mở đầu và kết thúc của tác phẩm thành một vòng tròn khiến người đọc liên tưởng tới cuốn sách đầu tay Molloy tại nhà xuất bản Minuit năm 1951 của Beckett. Trong tác phẩm Molloy, Beckett sử dụng lối viết xây dựng một thông điệp liên tục được loại bỏ, khẳng định cùng lúc với phủ định, như câu văn dưới đây: “Nửa đêm. Mưa quất mạnh vào cửa kính. Không phải nửa đêm.Trời không mưa.” Thông điệp chuyển động hay đứng yên, thu mình lại trong thế giới khép kín hay đi ra khỏi vùng tĩnh lặng cũng trở đi trở lại trong tác phẩm Buồng tắm của Toussaint.
Nhân vật tôi là người suy tư nhiều hơn chuyển động và hành động. Ngược lại, Edmondsson hành động nhiều hơn nhưng ta hầu như không biết đến suy tư của cô. Hai nhân vật này gắn bó với nhau bằng một mối quan hệ kỳ lạ nơi họ không cảm được nhau nhưng họ không rời xa nhau. Cách xây dựng hai nhân vật có tính cách đối lập như thể bù trừ cho nhau khiến ta liên tưởng tới truyện ngắn Kino của Haruki Murakami, nơi Murakami xây dựng nên nhân vật Kino và Kamita là hai mảnh ghép yếu đuối và mạnh mẽ, như thể lý trí của Kamita là phần Kino mong ước có được. Trở lại với Buồng tắm, “tôi” và Edmondsson là hai nhân vật tách rời nhưng cũng có thể là hai mảnh ghép của cùng một con người. Đây chỉ là một cách hiểu trong vô vàn cách hiểu về tác phẩm.
Buồng tắm không chỉ là bàn về sự bất động và chuyển động, mà còn viết về cái nhìn, nơi mỗi một ánh mắt nhìn thực chất là một ánh sáng soi rọi vào một thế giới khép kín. Theo thuyết hiện sinh của Jean-Paul Sartre, “người là một kẻ bị nhìn bởi người khác”, “tha nhân là kẻ nhìn tôi”, do đó “sống là thấy mình bị nhìn”. Cái tôi của một con người sẽ được tạo nên bởi việc anh ta nhìn thế giới, anh ta nhìn bản thân và anh ta bị/được nhìn bởi tha nhân. Nhân vật tôi trong Buồng tắm cảm thấy khó chịu khi cảm thấy ánh mắt của Edmondsson lúc nào cũng đặt lên mình. Một người khi chủ động mở cửa không gian riêng tư với thế giới, nếu cảm nhận được tha nhân chiếu ánh mắt tới, thì đó là ánh sáng. Còn khi người đó chỉ muốn được tĩnh lặng, thì ánh mắt của người khác nhìn mình sẽ chỉ mang lại cảm giác tiêu cực và bất an. Ngoài viết về cảm giác nhân vật tôi bị Edmondsson nhìn, Toussaint cũng viết nhiều đoạn văn để nhân vật nhìn ngắm chính mình trong gương và nhìn ra cuộc sống bên ngoài bằng thế giới quan riêng mình. Mỗi cái nhìn, dù hướng nội hay hướng ngoại, vẫn thường mang đến những câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại trong đời sống này.
Nhân vật trong Buồng tắm được xây dựng theo lối viết của phong trào Tiểu thuyết mới, không rõ ràng về danh tính, nguồn gốc, mờ nhạt trong tính cách, mơ hồ trong công việc. Nhưng Toussaint đã đi ngược lại thuyết xây dựng nhân vật của Robbe-Grillet, là để cho nhân vật tôi có chiều sâu của suy tư, những quan sát tinh tế, hiểu biết về nghệ thuật, dù luôn cảm thấy cô đơn, buồn bã, lạc lõng trong cuộc đời. Những đặc điểm này đã khiến người đọc có sự kết nối và cảm được nhân vật.
Hình ảnh nhân vật vào một buổi sáng thức giấc thấy một ngày mới đến như biển đen vô tận dâng lên sau đôi mắt nhắm nghiền đã để lại một xúc cảm buồn khó phai. Được mệnh danh là nhà văn của sự tối giản, nhưng văn chương Toussaint vẫn đầy tinh tế, không chỉ gợi mở nhiều cách đọc khác nhau, nhiều liên tưởng khác nhau, mà còn mang đến xúc cảm cho người đọc.
Là một nghệ sĩ thị giác, làm việc với nhiếp ảnh và điện ảnh, Toussaint rất chú trọng đến cái nhìn. Toussaint luôn tìm cách chọn lọc những từ ngữ gợi lên nhiều hình ảnh liên tưởng trong tâm trí người đọc. Ông nói rằng, văn chương rất giàu có, văn chương chính là một bộ môn nghệ thuật hoàn chỉnh. Là nhà văn sống ở trong thời hiện tại cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, Toussaint mang tư duy của nhà văn đương đại, đã làm những thí nghiệm quan sát sự kết nối giữa miêu tả của nhà văn với não của người đọc. Trong triển lãm về nhiếp ảnh thực hiện tại bảo tàng Louvre năm 2012, ông đã thực hiện những bức ảnh chụp, những video ghi lại não của mình và của mọi người trong khi đọc. (8)
Toussaint đặc biệt quan tâm đến cái nhìn về thế giới hôm nay. Khác với thời của Robbe-Grillet, khi câu chuyện bắt đầu là Cục tẩy, Bức mành, thì câu chuyện của Toussaint là Ti vi, Máy ảnh, USB. Đặc biệt tác phẩm La Clé USB xuất bản năm 2019 của Toussaint khai thác đề tài về big data, bitcoin, blockchain. Ông đã được giới phê bình đánh giá một gạch nối quan trọng trong việc kế thừa những di sản của thế hệ trước, tạo nên một bản sắc mới, một diện mạo mới cho Tiểu thuyết mới, mà người ta gọi là Mới của Tiểu thuyết mới. Toussaint chia sẻ rằng, nhìn thế giới bằng con mắt đương đại để là để giữ cho văn chương không ngừng lại. (9)
Sơn Ca
Dẫn nguồn:
(1) Ngày đầu tiên khi tôi bắt đầu viết, Jean-Philippe Toussaint: http://www.bon-a-tirer.com/volume1/jpt.html
(2) Website của Nhà xuất bản Minuit:
http://www.leseditionsdeminuit.fr/unepage-historique-historique-1-1-0-1.html
(3) J.-Ph., “Phỏng vấn với Michèle Ammouche-Kremers”, trong cuốn Jeunes auteurs de Minuit, Michèle Ammouche-Kremers et Henk Hillenaar Eds., Amsterdam, Atlanta, Rodopi, CRIN 27, 1994.
(4) Gặp gỡ với Jean-Philippe Toussaint:
(5) Tác phẩm Cờ vua của Jean-Philippe Toussaint viết từ năm 1979 đến 1984.
(6) Musil et Toussaint, en congé de la vie, Joachim Unseld, Le Monde, 2005.
(7) Un roman minimaliste? Phỏng vấn Jean-Philippe Toussaint thực hiện bởi Laurent Demoulin tại Bruxelles năm 2005.
(8) và (9) Jean-Philippe Toussaint trên France Culture:
https://www.franceculture.fr/emissions/linvite-culture/jean-philippe-toussaint
* Những trích đoạn từ tác phẩm Buồng tắm của Jean-Philippe Toussaint sử dụng trong bài viết do Hồ Thanh Vân dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, năm 2021.
Leave a Reply