Đây là bức ảnh mình chụp ở Paris hè năm 2017. Sau khi ngắm nhìn kỹ bức ảnh này hồi lâu, mình phát hiện ra rằng bức ảnh này nếu đẹp thì là bởi đó là một khoảnh khắc của một vạt nắng cuối chiều chiếu vào một phần của căn phòng. Những nơi nào trong căn phòng “được nhìn” bởi ánh nắng là những nơi ta thấy mầu sắc của sự vật đó bừng sáng lên. Sự “hiện diện” của “nắng” và “cái nhìn” của nó vào những đồ vật trong căn phòng làm cho những đồ vật đó như thể có một sự thăng hoa, và vì thế, những phần có nắng rõ ràng là có một mầu sắc đẹp hơn những chỗ còn lại.
Ở đây, trong bức ảnh này, là một sự tác động tích cực đến từ cái nhìn từ phía bên ngoài. Tất nhiên sẽ có sự tác động tiêu cực mà chúng ta sẽ lấy ví dụ về nó ở phần sau. Từ bức ảnh trên, đột nhiên, mình liên tưởng đến một câu của Sartre trong tác phầm “Tồn tại và hư vô”:”J’ai un dehors, j’ai une nature ; ma chute originelle c’est l’existence de l’autre.”
Câu này mình không biết dịch như nào đâu. Mình sẽ diễn giải nghĩa của nó thôi. “J’ai un dehors, j’ai une nature” có thể tạm hiểu một cách nôm na rằng, tôi có một cái tôi ở bên ngoài và tôi có một cái tôi tự nhiên. Và điều gì xảy ra khi có sự tồn tại của người khác? Để hiểu trọn vẹn nghĩa của câu này phải tìm hiểu về “ma chute originelle”.
Đây là một từ Sartre đã sử dụng hình ảnh trong kinh thánh để diễn tả sự xuất hiện của người khác. Thực tế “la chute originelle” làm người ta nghĩ đến tội lỗi nguyên thủy trong kinh thánh. Nếu Adam và Eva không ăn trái cấm thì thế giới của Adam và Eva sẽ mãi mãi như vậy, không có tội lỗi hay không có sự sụp đổ nào, cho đến khi có sự ăn trái cấm thì mọi câu chuyện sau đó đã xảy ra với một quỹ đạo khác. “Đúng là họ không chết ngay, nhưng bằng việc không vâng lời đó, tự họ đã khước từ sự sống đời đời. Cũng đúng như mắt họ đã mở ra, và lúc này họ nhận ra những điều trước đây chưa bao giờ họ biết tới. Lần đầu tiên họ nhận ra mình trần truồng, và lần đầu tiên họ cảm thấy xấu hổ. Họ biết rằng mình đã làm sai, và khi không che giấu được hết sự xấu hổ và sợ hãi của mình, họ núp trong những bụi cây rậm lá….Sau đó (lược bỏ một đoạn lằng nhằng) thì cuối cùng Thiên Chúa đuổi Adam và Eva khỏi vườn Địa Đàng, xua họ vào thế giới để họ lập đời sống mới.” (*)Từ “chute” trong kinh thánh là như vậy.
Quay trở lại câu của Sarte có thể có sự liên tưởng rằng “Chute” là một sự sụp đổ, một sự thay đổi, một cái gì đó không còn như xưa nữa, một sự kết thúc hay một sự hồi sinh mới bắt đầu. Và như vậy, sự TỒN TẠI của người khác, CÁI NHÌN của người khác lên mình, hoặc SỰ TƯỞNG TƯỢNG CỦA MÌNH VỀ SỰ NHÌN của người khác đã TÁC ĐỘNG lên bản thân mình, để mình bộc lộ một cái tôi khác ngoài cái tôi mình đang có. Sự tác động này mang hai nghĩa tích cực và tiêu cực, làm cho chúng ta cảm thấy có cảm giác tự hào hoặc xấu hổ. Tôi không thể có cảm giác tích cực hay tiêu cực nếu tôi không có sự tồn tại của người khác hay cảm giác về sự tồn tại của người khác đang nhìn mình. (**)Jean Paul Sartre gọi “người là một kẻ bị nhìn bởi người khác”, “tha nhân là kẻ nhìn tôi” và sự hiện hữu của tha nhân chính là “cái nhìn”, nhìn bằng bất cứ cách nào, bằng tưởng tượng, hồi tưởng, mơ mộng, do đó “sống là thấy mình bị nhìn” và trong cái nhìn qua lại lẫn nhau ấy vì “mỗi ý thức là dị biệt và đơn độc” nên đôi khi “tha nhân là một vật cản lối đi, là một ngộ nhận hiểu nhầm, là một phán đoán.”… “Khi một tha nhân xuất hiện thì hiện diện của nó làm đảo lộn và phá tung vũ trụ sống trước khi hắn xuất hiện. Cả vũ trụ như nứt nẻ, như bị hút đầu vào cặp mắt của hắn. Hắn như là một lỗ hổng của vũ trụ sẽ tiêu tan trong đó. Sự hiện diện của tha nhân là một “băng tuyết nội tâm” (hémorragie interne) của vũ trụ” (***)
Từ điều này, đoạn này ko liên quan đến Sartre nữa, mà là từ trải nghiệm cá nhân, ta có thể lý giải rất rõ ràng mối quan hệ của ta với những người khác nhau hoặc những cộng đồng khác nhau đã cho ta nhìn thấy những cái tôi khác nhau của chính mình như thế nào. Và ta sẽ quyết định lựa chọn những gì để trong mối tương quan với người khác ta có được cơ hội để bộc lộ những giá trị tốt đẹp, sự thăng hoa, sự tích cực. Đương nhiên, sự tiêu cực cũng có những giá trị riêng của nó nhưng cần giữ ở mức nào thì đủ. Đôi khi, ta tưởng tượng mỗi một ánh nhìn là một ngọn đèn, ta có thể lựa chọn bật và tắt những ánh nhìn đó. Bên trong chúng ta là một vũ trụ sâu thẳm, đôi khi chúng ta không biết hết được mình đâu, và nhiều khi cũng cần những ánh nhìn từ bên ngoài chiếu vào, để mời gọi và mở ra những điều đã bị lãng quên hoặc những điều chưa biết.
Vì sao chúng ta càng đọc nhiều chúng ta càng suy ngẫm nhiều? Vì sao chúng ta càng đi nhiều chúng ta càng mở mang nhiều? Vì sao chúng ta giao tiếp với nhiều loại người khác nhau, nhiều môi trường khác nhau chúng ta sẽ thấy cuộc sống thực ra thực sự rộng lớn và phong phú, chứ không bó hẹp mãi trong cái nhìn cố hữu và chật chội của một người, một nhóm người hay một cộng đồng? Đến đây tôi nghĩ chắc là mọi người có thể tự trả lời được. Cái nhìn bên ngoài ta cũng là cái hư vô, và bởi vậy ta cũng có thể tự do vượt ra bên ngoài khỏi cái hư vô đó. Nhiều khi chúng ta cũng cần quay trở về bản thể của mình, tự làm nó đầy lên, hoặc di chuyển mình đến những không gian “bị nhìn” khác nhau để được tương tác trong những quan niệm nhân sinh quan rộng lớn hơn nếu cảm thấy bị chật hẹp. Đó là tự do.
Sơn Ca | 2018
Ảnh: Sơn Ca
Link tham khảo:
(**)https://laphilodeluxe.blogspot.com/2018/12/corrige-dune-explication-de-texte-de_26.html?fbclid=IwAR2S5w6b6qpYI3POWuf0KOWsFsX5tvZr-qritOMxDZVlMR5s5o4fKv5lioE
(***)http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-hien-sinh/nguoi-di-tren-bang-tuyet-hay-sa-mac-giua-rung-nguoi_466.html?fbclid=IwAR32VjJX6xDkwPcvfu-5KtX4Eb2Cbd8wrMS5RC10SqdkgM31RheAdIVpiRY
Leave a Reply