“Lững thững bước, nheo mắt che bớt ánh nắng mặt trời đã trở lại, tôi quay về … nhà. Nhà tôi! Vâng, tôi nghĩ thế, tôi ngạc nhiên nhận ra mình nghĩ thế và bật cười đến nỗi ho sặc sụa khiến người qua đường quay nhìn. Cái hốc khám thờ này, xây từ hơn một thế kỷ trong khu vực nghĩa trang ít được thăm viếng vì không có mộ nổi tiếng – nhà tôi đấy.”
Đoạn văn trên trích trong phần cuối tiểu thuyết Di chúc Pháp của Andreï Makine. Trong tiếng Pháp, từ “chez moi”, ngoài nghĩa “nhà tôi” còn có nghĩa là “quê hương tôi”. Nghĩa trang được nhắc đến là nghĩa trang Père-Lachaise nơi Makine đã sống trong những ngày đầu lưu vong ở Pháp. Tại đây, ông đã bắt đầu ghi chép về tiểu sử bà Charlotte Lemonnier. “Tôi khẳng định chỉ có các tác phẩm sáng tạo bên bờ huyệt mộ, hoặc khi đã ở thế giới bên kia mới chống lại được thử thách của thời gian.”Những ghi chép ấy, về sau trở thành tiểu thuyết Di chúc Pháp, xuất bản năm 1995, đưa Andreï Makine lên đỉnh cao của danh vọng với ba giải thưởng, giải Goncourt, giải Médicis, và giải Goncourt dành cho học sinh trung học.
Andreï Makine sinh năm 1957, tại Sibéria, là nhà văn gốc Nga nhưng sáng tác bằng tiếng Pháp. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông đã trải qua những năm tháng đầu tiên trong trại trẻ mồ côi trước khi được chăm sóc bởi bà ngoại, người dạy tiếng Pháp và nuôi dưỡng tình yêu nước Pháp trong ông. Năm 1987, ông tới Pháp theo diện tị nạn chính trị, sau đó trở thành giáo sư ngôn ngữ và văn hóa Nga. Hai bản thảo đầu tiên của Makine bị từ chối vì nhà xuất bản không tin tưởng sáng tác bằng tiếng Pháp của một người Nga. Ông đã bịa ra tên một người dịch tác phẩm của mình để được xuất bản.
Ra mắt tiểu thuyết đầu tay vào năm 1990, hai năm sau, Makine hoàn thành luận án tiến sĩ tại Sorbonne về tác phẩm của nhà văn Nga Ivan Bounine với tựa đề “Thi học của nỗi hoài nhớ“. Thành công của tiểu thuyết Di chúc Pháp đã giúp Makine được nhập quốc tịch Pháp ngay trong năm sau, điều mà ông đã từng bị từ chối nhiều lần. Sau này, Makine còn giành thêm nhiều giải thưởng văn chương khác và các tác phẩm của ông được dịch ra 30 tiếng trên thế giới. Sự nổi tiếng đến mức khiến ông lựa chọn ẩn mình dưới bút danh Gabriel Osmonde trong vòng 10 năm với 4 tiểu thuyết. Năm 2016, ông được bầu làm thành viên Viện Hàn Lâm Pháp.
Di chúc Pháp là cuốn tiểu thuyết chứa đựng sự thơ mộng của ký ức, sự diệu kỳ của trí tưởng tượng, về hành trình đi tìm danh tính và nguồn cội của Makine. Cuốn tiểu thuyết cho ta thấy sức mạnh bền bỉ của những câu chuyện kể, nơi hình ảnh được tiếp nhận và khuếch tán thông qua lăng kính nhạy cảm của tâm hồn. Makine đặc biệt mô tả những khoảnh khắc tâm hồn con người bừng sáng khi những câu chuyện kể đi vào những tầng sâu thẳm, những góc khuất, những khoảng lặng để chạm đến từng sợi dây rung động của người nghe.
Tiểu thuyết dựng lên nhiều nước Pháp khác nhau qua điểm nhìn và thời gian khác nhau của nhân vật: ngoài nước Pháp trong ký ức của bà Charlotte, còn là một nước Pháp trong cái nhìn thơ mộng của cậu bé Aliocha qua lời kể của bà, một nước Pháp khác lạ khi cậu đọc sách từ thư viện, một nước Pháp được nhào nặn bằng văn phong riêng khi cậu kể lại cho bạn bè; một nước Pháp hiện thực khi cậu đã trưởng thành và đặt những bước chân tha hương vào lòng đất nước cậu hằng mơ mộng, và cuối cùng là một nước Pháp khi bà Charlotte qua đời để lại lá thư giải đáp câu hỏi về một bức ảnh bí ẩn từ thời thơ ấu.
Sự dịch chuyển giữa hai ngôn ngữ cũng làm Aliocha cảm nhận được sự khác biệt giữa hai nền văn hóa và hai đất nước. Chính nước Nga đã làm Aliocha đau đớn, làm cậu có những chuyển biến mạnh mẽ, có những giằng xé nội tâm giữa hai danh tính Pháp-Nga, giữa thế giới huyền ảo và trần trụi, nơi con người dù có trí tưởng tượng phong phú đến đâu vẫn không theo kịp thực tại phũ phàng.
Không khí bao trùm ở nửa đầu tiểu thuyết là thảo nguyên mơ mộng của cậu bé Aliocha với chiếc ban công như đu đưa mỗi khi bà kể chuyện:
“Phủ đầy hoa, chiếc ban công này như treo lơ lửng giữa đám sương mù nóng nực thảo nguyên. Mặt trời rừng rực màu đồng sà xuống chân trời, dần dà chốc lát rồi lặn nhanh chóng. Vài ngôi sao đầu tiên run rẩy trên nền trời. Mùi hương cây cỏ nồng nàn bay lên tận chỗ chúng tôi theo chiều gió hây hây. […] Chiếc ban công khẽ chòng chành, hẫng đi dưới bàn chân, bắt đầu bay lượn. Chân trời dịch gần lại cứ như thể chúng tôi lao tới nó xuyên qua làn hơi đêm. Ngay phía trên đường chân trời chúng tôi nhận ra cái ánh lấp lánh nhợt nhạt tưởng chừng như những vảy sóng lăn tăn trên mặt một dòng sông. […] Bây giờ chúng tôi thấy mọc lên từ mặt biển kỳ ảo ấy những khối đen tòa nhà, những chóp nhà thờ, những cột đèn đường một thành phố. […] Nước Pháp của bà chúng tôi, tựa hồ một Atlantide mù sương đang xuất hiện trên mặt sông.”
Gaston Bachelard, triết gia nghiên cứu về tưởng tượng và mộng mơ, cho rằng mọi tưởng tượng của con người đều bắt nguồn từ bốn vật chất: nước, lửa, khí và đất. Nhưng với Makine, mỗi cử chỉ tình cờ đều trở nên thiết yếu, một thoáng chốc được cắt ra từ dòng chảy đều đều của thời gian, đều trở thành một cõi nhân sinh nhỏ xíu, với không gian và bầu trời của nó (1). Từ bất kể một chi tiết nào của đời sống, Makine cũng có thể làm sống động một thời khắc lịch sử, một quãng đời con người, một cảm giác thơ mộng hay phẫn nộ đớn đau, giống như cách Marcel Proust, từ hương vị của chiếc bánh madeleine nhúng vào chén trà, đã làm sống dậy cả một tuổi thơ, “làm cho cả thành phố lẫn vườn hoa đều đi ra từ một chén trà” (2).
Nhưng sự sống dậy một vũ trụ lung linh từ hương vị chiếc bánh Madeleine của Proust là những hình ảnh đã được nhìn thấy từ trong quá khứ. Còn hình ảnh trong vũ trụ của Makine tạo ra hoàn toàn mới, là những hình ảnh về nước Pháp, về cuộc đời bà Charlotte mà Makine chưa từng thấy bao giờ.
Từ trong “chiếc va li Sibéria của bà”, “cái túi cầu Pont-Neuf”, “mảnh đá Verdun”, những bài thơ, những câu chuyện văn chương, những mẩu báo cũ, những bức ảnh … Makine đã mở ra thế giới cổ tích về nước Pháp và về cuộc đời thăng trầm của bà Charlotte xuyên qua chiều dài những cuộc chiến tranh, xuyên qua không gian hai đất nước. Makine rất khéo léo sắp đặt những chi tiết nhỏ ở đầu tiểu thuyết, ở đầu mỗi chương đoạn và dùng thủ pháp khẩu súng của Chekhov để lặp lại nó một lần nữa mỗi khi kết thúc một chuyện kể.
Nửa đầu tiểu thuyết là thời thơ ấu thơ mộng, còn nửa sau là những giằng xé nội tâm giữa hai danh tính Nga và Pháp của chàng thanh niên Aliocha. Văn chương Pháp và sự mộng mơ về nước Pháp khiến cậu lạc lõng và là kẻ bên lề trong xã hội mini ở trường học. Khi sống trong ngôi nhà của chú dì, nghe người lớn nói chuyện với nhau về hiện thực trong đời sống Nga, đặc biệt chuyện bà Charlotte bị hãm hiếp trên sa mạc, Aliocha “đau đớn đến nỗi thấy in lên trong ngực những đường viền trái tim mình cháy bỏng”. Cậu “tự đánh mình cho đến mức mặt sưng phồng và dàn dụa nước mắt”. Bởi cái làm cậu kinh hoàng, còn tệ hơn cả sự kinh hoàng xảy ra trên sa mạc, là câu chuyện đó được kể lại trong ngôn ngữ Nga, bằng giọng bình thường thản nhiên như không. “Cậu bước đi trong tuyết loãng, xa lạ với cái chiều xuân trong trẻo hơn cả người từ trên Sao hỏa.”
Di chúc Pháp không chỉ viết về cuộc đời của bà Charlotte, một người Pháp sống trên nước Nga, mà còn là cuộc đời của Aliocha, người ít nhiều mang sự tự hào về dòng máu Pháp chảy trong mình, về mầm mống Pháp đã cấy vào mình bằng tất cả hiểu biết và tình yêu với nước Pháp. Hai mươi năm sau, Aliocha đã tìm đường đến với nước Pháp mơ mộng của mình, đối diện với những khó khăn của một người tha hương bên lề nước Pháp.
Ở tận cùng của tuyệt vọng và những vụn vỡ tâm hồn trước thực tại, những ký ức về nước Pháp xưa cũ của bà Charlotte đã xuất hiện trở lại một cách thần kỳ, thôi thúc Aliocha quay trở về nơi trú ẩn của mình trong nghĩa trang và viết, viết không ngừng. Và từ “chez moi”, không chỉ là căn hầm mộ nơi Aliocha trú ngụ về mặt vật lý, mà chính sự sống dậy về nước Pháp thơ mộng thời thơ ấu đã khiến anh cảm thấy mình được kết nối với bà Charlotte, với quê hương tâm hồn của mình, với danh tính mà anh cảm thấy mình đúng là mình nhất, và điều đó đã nâng đỡ anh nhất, để bắt đầu viết, xuất bản và trở thành nhà văn.
Nhưng di chúc Pháp mà bà Charlotte để lại không dừng lại ở đó. Lá thư của bà sau khi mất, đến với Aliocha nhiều năm sau, trả lời câu hỏi về một bức ảnh mà thời thơ ấu bà đã lảng tránh trò chuyện về nó. Bí mật được hé lộ này đã để lại một hiện thực khác về nguồn cội Pháp và danh tính của Aliocha, đặt anh trước một ngã rẽ mới của cuộc đời. Anh vừa tập làm quen với hình ảnh của một người phụ nữ trong bức ảnh bí ẩn, vừa cảm thấy bà Charlotte đang hiện diện “trên những con phố đang thiu thiu ngủ.”
Từ ban công nhỏ đu đưa trên thảo nguyên Saranza đến căn hầm mộ nơi nghĩa trang Père-Lachaise, Aliocha là hiện thân của Andreï Makine, đã trở thành nhà văn như thế.
SƠN CA
Chú thích:
(1) Tạp chí Lire, số 292 tháng Hai, năm 2021.
(2) Bên phía nhà Swan trong bộ sách Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, Nhã Nam và NXB Văn học, năm 2013.
Những câu in nghiêng còn lại trong bài viết đều trích từ tiểu thuyết Di chúc Pháp, Bùi Hiển dịch, NXB Hội nhà văn, năm 1998.
Leave a Reply